Dán giấy đỏ ngày tết: Tục lệ đẹp của người Nùng xứ Lạng
(LSO) – Theo thông lệ, để tiễn năm cũ, đón năm mới, mỗi gia đình dân tộc Nùng trên địa bàn tỉnh lại trang hoàng nhà cửa bằng giấy đỏ; dán giấy đỏ vào các đồ vật, cây cối, chuồng trại vật nuôi với mong muốn xua đuổi tà ma, cầu năm mới gia đình bình an, vạn vật sinh sôi và phát triển.
Ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình người Nùng dậy từ rất sớm để trang hoàng nhà cửa. Mỗi người một việc, người lo gỡ bỏ giấy cũ, người lau rửa bàn thờ tổ tiên, người chuẩn bị giấy mới… Những tờ giấy đỏ năm cũ sau khi được gỡ ra, người dân sẽ đem đốt, với quan niệm xóa đi những điều không may mắn trong năm vừa qua.
Sau khi bàn thờ được lau rửa sạch sẽ, chủ nhà sẽ dán cẩn thận tờ giấy đỏ mới lên bàn thờ tổ tiên. Kích thước của tờ giấy phụ thuộc vào kích thước của bàn thờ, thông thường tờ giấy đỏ dán ở bàn thờ sẽ có kích thước chừng 60x80cm. Loại giấy này được người dân mua từ phiên chợ áp tết, khi mua phải chọn loại giấy màu đỏ, dày, không bị nhàu rách. Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, còn có nhiều gia đình chọn mua những bức tranh in sẵn hình mâm ngũ quả với màu sắc tươi tắn, bắt mắt, trong đó màu đỏ là chủ đạo để dán lên bàn thờ tổ tiên, dọc hai bên rìa bàn thờ, người ta chọn mua những câu đối đỏ để trang trí… Tục lệ đó như một thói quen đi sâu vào tiềm thức của mỗi gia đình, thể hiện một phong tục đẹp của người Nùng Lạng Sơn.
Dân tộc Nùng xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc dán giấy đỏ lên cây cối trong vườn
Bên cạnh việc trang hoàng cho bàn thờ tổ tiên, người Nùng còn dán giấy đỏ lên bàn thờ mụ, bàn thờ thần bếp, bàn thờ “phi slương” (ma lang thang ngoài sân), trên cửa ra vào, cửa sổ… Theo đó, người dân cắt các tờ giấy đỏ với kích thước 10×20 m hoặc mua loại giấy đỏ đã cắt ở chợ với hình trang trí hoa văn hoặc in hình cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm. Số lượng giấy dán rìa bàn thờ và cửa ra vào phải là số lẻ, còn cửa sổ và các bàn thờ khác chỉ cần dán một tờ.
Ông Nông Sỹ Thạc (90 tuổi), người dân tộc Nùng huyện Văn Quan cho biết: “Từ ngày còn nhỏ tôi đã nghe người lớn bảo có tục lệ này rồi, và cứ thế mà tôi thực hiện theo. Sau này, khi con cái lớn, mỗi dịp tết đến, xuân về tôi lại dặn các con làm. Theo các cụ kể lại, việc dán giấy đỏ như vậy là bởi người xưa quan niệm và tin tưởng rằng màu đỏ là màu của sự may mắn, cầu cho năm mới gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi”.
Cùng với việc trang hoàng nhà cửa, dán giấy đỏ lên bàn thờ và cửa nhà, người Nùng Lạng Sơn còn dán giấy đỏ lên đồ vật, cây cối, chuồng vật nuôi… Việc này được người dân thực hiện vào ngày mùng 1 tết (ngày bắt đầu năm mới), với ý nghĩa xua đuổi tà ma, đánh thức đồ vật, cây trồng sau một mùa đông dài nghỉ ngơi. Đồng thời cầu mong năm mới cây trồng sẽ ra nhiều quả, vật nuôi sẽ khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở.
Mảnh giấy được dán lên đồ vật, vật nuôi, cây cối được cắt từ giấy đỏ với kích thước nhỏ, chỉ khoảng 5×8 cm. Các đồ vật như cuốc, xẻng, máy cày, máy tuốt lúa…; các loại cây cối như bưởi, lê, mận, hồng, đào, hồi…; chuồng trại trâu, bò, lợn, gà… đều được dán những tờ giấy đỏ.
Bà Tô Thị Lơ, thôn Bản Đảy, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc cho biết: “Sáng mùng 1 tết năm nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm, cắt những tờ giấy đỏ dán lên cây cối trong vườn, chuồng trại chăn nuôi và các đồ vật phục vụ sản xuất của gia đình. Tôi luôn tin rằng tất cả đồ vật đều có linh hồn, dán giấy đỏ để đánh thức chúng dậy, bắt đầu một năm mới với nguồn năng lượng mới, đem lại nguồn lợi cho con người”.
Dán giấy đỏ dịp Tết Nguyên đán là một phong tục đẹp, có nguồn gốc từ lâu đời của đồng bào dân tộc Nùng ở xứ Lạng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử song tục lệ ấy vẫn còn được giữ nguyên tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt, thể hiện niềm tin của đồng bào dân tộc Nùng vào một năm mới với những điều tốt đẹp hơn.
Ý kiến ()