Dần chuẩn hóa quy trình canh tác na Chi Lăng
Nông dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc na trong vùng sản xuất theo quy trình GlobalGAP |
Nhiều quy trình sản xuất mới
GlobalGAP – một khái niệm khá xa lạ với nông dân xứ Lạng, thế nhưng nó đã trở thành quen thuộc với các hộ dân thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. GlobalGAP là tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu được áp dụng sản xuất với quy mô 5 ha na từ năm 2017 tại Quán Thanh. Theo quy trình này, các hộ tham gia phải chủ động quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nguồn nước pha thuốc BVTV không gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Khi chăm bón cây, bắt buộc phải xây dựng kho dự trữ phân bón, thuốc BVTV đảm bảo cách ly với khu dân cư. Khi phát hiện sâu, bệnh hại, người dân phải báo cáo với cơ quan chức năng và chỉ được phun đúng loại, đúng tỷ lệ thuốc phòng trừ theo chỉ định. Bà Lương Thị Xuân, thôn Quán Thanh cho biết: “Áp dụng quy trình GlobalGAP có rất nhiều chỉ tiêu nghiêm ngặt. Trong 1 năm sản xuất, chúng tôi phải ghi nhật ký hoạt động. Mặc dù khó nhưng cũng phải làm, bởi như thế sản phẩm mới đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, xuất bán được sang nước ngoài với giá thành cao hơn nhiều lần”.
Không riêng quy trình trên, những năm gần đây, các phương pháp khoa học, kỹ thuật tiên tiến như: bón phân cho cây na trên đất dốc, thụ phấn nhân tạo cho hoa, đốn tỉa, trẻ hóa, lùn hóa vườn na, sản xuất na theo quy trình VietGAP, sản xuất na gối vụ, sử dụng thuốc sinh học bẫy bả ruồi đục quả, tưới nhỏ giọt… được tích cực áp dụng. Các phương pháp này đều được thực hiện dựa trên những nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng na. Đơn cử với phương pháp bón phân cho cây na trên đất dốc, người dân tạo rãnh sâu 3 – 5 cm xung quanh mép tán, rắc phân NPK rồi lấp đất, ủ rác phủ quanh tán giữ ẩm cho đất, tạo điều kiện cho rễ phát triển. Họ bón phân 3 lần/năm cho cây vào các đợt: sau khi thu hái quả (tháng 9 – 10), đón lộc đón hoa (tháng 2 – 4), nuôi cành nuôi quả (tháng 6 – 7) thay vì chỉ bón 1 lần như trước.
4 nhà vào cuộc
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Diện tích na Chi Lăng ngày càng tăng, chất lượng quả ngày càng đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu của thị trường là do có sự vào cuộc tích cực của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông trong việc tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển cây na, quan tâm xây dựng nhãn mác sản phẩm, hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất na an toàn…
Từ năm 2010 đến nay, cây na Chi Lăng nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân từ trung ương đến cơ sở trong nghiên cứu khoa học tìm ra các phương pháp canh tác na hiệu quả, cấp nhãn hiệu sản phẩm. Hằng năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các dự án mô hình canh tác na, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, mỗi năm, nhà nước hỗ trợ thực hiện từ 10 đến 80 ha sản xuất theo hướng VietGAP. Riêng năm 2017, mở rộng thêm 80 ha na theo hướng VietGap, 5 ha sản xuất theo hướng GlobalGAP, 30 ha na gối vụ, 10 ha sử dụng phương pháp hữu cơ. Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhiều động thái tích cực trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2015, thông qua Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội, na Chi Lăng đã có mặt tại siêu thị Fivimart và một số siêu thị tại thủ đô Hà Nội. Người dân Chi Lăng cũng tích cực tham gia các chương trình nghiên cứu, mô hình ứng dụng nhằm phát triển cả về diện tích, chất lượng sản phẩm na, nâng cao đời sống. Ông Vi Ngọc Lưu, Trưởng thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng cho biết: Thôn có 125 hộ thì có tới hơn 110 hộ trồng na với diện tích trên 70 ha. Hộ trồng nhiều nhất khoảng 7 – 10 ha thu nhập 300 – 500 triệu đồng/năm. Từ trồng na, nhiều hộ đã thoát nghèo, làm giàu, cả thôn hiện chỉ còn 4 hộ nghèo.
Mỗi năm, huyện Chi Lăng phát triển khoảng 50 đến hơn 100 ha na. Tính đến thời điểm này, diện tích na toàn huyện đã lên tới 1.500 ha (năm 2015 là trên 1.200 ha), cho sản lượng bình quân 15.000 tấn/năm, đem lại giá trị kinh tế khoảng 300 tỷ đồng/năm. Nguồn thu trên đảm bảo đời sống cho khoảng 3.500 hộ trồng na thuộc 8 xã, thị trấn. |
Ý kiến ()