Đàm phán về gói cứu trợ mới cho kinh tế Mỹ vẫn “giậm chân"
Các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và các quan chức Nhà Trắng ngày 12/8 chưa thể thu hẹp được những bất đồng liên quan đến gói chi tiêu khẩn cấp mới cho nền kinh tế nước này.
Các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và các quan chức Nhà Trắng ngày 12/8 chưa thể thu hẹp được những bất đồng liên quan đến gói chi tiêu khẩn cấp mới cho nền kinh tế, khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đổ lỗi cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi về sự thất bại của các cuộc đàm phán.
Ông Mnuchin cho biết ông đã nói chuyện với bà Pelosi qua điện thoại, song vị Chủ tịch Hạ viện không sẵn sàng thay đổi quan điểm trừ khi Nhà Trắng đồng ý chi ít nhất 2.000 tỷ USD như một phần của gói cứu trợ mới – một con số bị phía đảng Cộng hòa bác bỏ.
Ở phía ngược lại, trong một tuyên bố chung, bà Pelosi và Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer chỉ trích Nhà Trắng đã tỏ ra cứng nhắc.
Đồng thời, đảng Dân chủ vẫn từ chối việc chi 1.000 tỷ USD cho gói viện trợ mới theo đề xuất của Nhà Trắng.
Tuyên bố chung cho hay phía đảng Dân chủ đã thỏa hiệp nhiều lần rằng họ sẵn sàng giảm chi 1.000 tỷ USD nếu Nhà Trắng tăng thêm mức tương đương.
Tuy nhiên, hai nghị sỹ này nhận định chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa hiểu được những vấn đề mà các gia đình Mỹ đang phải đối mặt có mức độ trầm trọng ra sao.
Như một biện pháp đối phó tạm thời, Tổng thống Trump mới đây đã ký bốn sắc lệnh, trong đó có một sắc lệnh về thanh toán khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung trị giá 400 USD/tuần cho người lao động mất việc làm . Con số này thấp hơn mức 600 USD được phê duyệt trong gói giải cứu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật CARES thông qua hồi tháng Ba vừa qua.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump đã gợi ý về đợt cắt giảm thuế lãi về vốn, điều chủ yếu sẽ có lợi cho các nhà đầu tư giàu có chuyên giao dịch chứng khoán.
Bộ trưởng Mnuchin tin rằng nó sẽ giúp thúc đẩy đầu tư và phục hồi kinh tế, nhưng nghị sỹ Schumer đã lên tiếng chỉ trích những đề xuất này.
Ông Mnuchin cũng tiếp tục phản đối yêu cầu của đảng Dân chủ trong việc cung cấp viện trợ cho chính quyền các địa phương và tiểu bang, vốn bị mất một lượng lớn nguồn thu thuế khi các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa để chống dịch trên toàn quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng khoản chi từ gói cứu trợ trước đó vẫn còn và sẽ cho phép các bang chi trả 100 USD trong số 400 USD tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cho người lao động mất việc làm.
Tuy nhiên, số liệu riêng của Bộ Tài chính đến ngày 23/7 cho thấy các thành phố lớn và các bang đông dân tại Mỹ đã sử dụng phần lớn nguồn tài trợ. Như bang California đã chi tiêu 75% khoản tiền này, trong khi thành phố Detroit sử dụng hơn 90% và thành phố New York là gần 100%.
Các nhà kinh tế lưu ý rằng áp lực tài trợ có thể khiến nhiều chính quyền tiểu bang và địa phương buộc phải sa thải các giáo viên, cảnh sát và nhân viên cứu hỏa của họ./.
Ý kiến ()