Đàm phán an ninh Nga-NATO: Gian nan tìm kiếm sự khởi đầu mới
Nga yêu cầu NATO cam kết không mở rộng về phía Đông, không kết nạp Ukraine và thêm các nước khác trong khi Mỹ và NATO đồng loạt cáo buộc Nga đưa 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine.
Cuộc họp Hội đồng Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo kế hoạch diễn ra ngày 12/1 tại Brussels (Bỉ) được đánh giá là cơ hội hiếm hoi để hai bên hóa giải những căng thẳng chồng chất gần đây, mà nếu sắp xếp chúng thành một chuỗi sự kiện, người ta sẽ có cảm giác rằng một cuộc xung đột lớn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Nội dung chính của cuộc họp này, cùng với cuộc đàm phán an ninh Nga-Mỹ diễn ra ngày 10/1 tại Geneva (Thụy Sĩ) và cuộc thảo luận giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 13/1 tại Vienna (Áo), đều liên quan tới 2 dự thảo thỏa thuận an ninh mà Moskva đề xuất với Mỹ và NATO nhằm đưa ra các cam kết mới về bảo đảm an ninh giữa hai bên.
Tuy nhiên, trước thềm các cuộc đàm phán này, cả hai bên đều bày tỏ không mấy lạc quan về các đột phá có thể đạt được.
Theo dự thảo thỏa thuận an ninh được Nga công bố cuối năm ngoái, Moskva yêu cầu NATO cam kết không mở rộng về phía Đông, hành động mà Moskva coi là mối đe dọa an ninh lớn đối với Nga, bao gồm không kết nạp Ukraine và thêm các nước khác.
Cụ thể, Nga yêu cầu NATO không được triển khai binh lính hoặc vũ khí tới bất cứ quốc gia nào gia nhập khối sau năm 1997, tức toàn bộ các nước ở phía Đông của liên minh quân sự này (Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, 8 nước Balkan và 3 nước vùng Baltic), mà không có sự đồng ý của Moskva.
NATO cần tham vấn trước khi tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga. Ngoài ra, Nga và NATO phải hạn chế triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở những khu vực có thể gây tổn hại tới bên kia…
Cuối cùng, Nga yêu cầu hủy bỏ quyết định năm 2008 của NATO về kết nạp Ukraine và Gruzia. Nga cho rằng các thỏa thuận này sẽ vạch ra những nguyên tắc về an ninh bình đẳng giữa hai bên và tránh đe dọa lẫn nhau, qua đó thiết lập một sự khởi đầu mới cho quan hệ luôn nghi kỵ lẫn nhau giữa Nga và NATO.
Hai dự thảo thỏa thuận này được đưa ra sau hàng loạt sự kiện gây căng thẳng trong quan hệ hai bên, đặc biệt là việc Nga và NATO tăng cường triển khai vũ khí, lực lượng và tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực gần biên giới Ukraine và Biển Đen.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc họp báo lớn cuối năm 2021, cho rằng với 5 đợt kết nạp thành viên mới, NATO đã đi ngược lại cam kết không mở rộng về phía Đông, được đưa ra vào những năm 1990.
Hiện, NATO triển khai các hệ thống tên lửa ở Romania và Ba Lan, đồng thời còn đề cập đến việc kết nạp Ukraine, điều mà Moskva coi là “lằn ranh đỏ” không được vượt qua.
Bởi vậy Tổng thống Putin cho rằng đã đến lúc phải lập một cam kết bằng văn bản với NATO để đảm bảo an ninh cho nước Nga.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, cường độ của các chuyến bay do thám của NATO trong khu vực Biển Đen năm ngoái đã tăng 60% so với năm 2020. Số lần xuất kích tăng từ 436 lên 710 lần và sự hiện diện của các tàu chiến và tàu hậu cần của NATO ở khu vực này đã trở thành thường trực.
Ngược lại, Mỹ và NATO đồng loạt cáo buộc Nga đưa 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine chuẩn bị tấn công quân sự quốc gia này dù Moskva kiên quyết bác bỏ, lập luận rằng các động thái chuyển quân, kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu là hoạt động thường xuyên của quân đội Nga bên trong lãnh thổ của mình.
Mỹ và các đồng minh NATO muốn tạo dựng những “vành đai an toàn” nhằm kìm hãm những nỗi lo an ninh từ Nga.
Cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ tại Geneva ngày 10/1 liên quan tới các đề xuất an ninh của Moskva không đạt được nhiều tiến triển, dù hai bên mô tả cuộc đối thoại lần này là “hữu ích” và “rất chuyên nghiệp.”
Phát biểu sau cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết Washington đã thể hiện lập trường cứng rắn trong đàm phán an ninh với Nga khi phản bác những đề xuất an ninh của Moskva, gọi đây là những đòi hỏi không thực tế, đi ngược với chính sách mở cửa NATO.
Sau cuộc đàm phán với Nga, bà Wendy Sherman cũng đã gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg để thảo luận về cuộc họp Hội đồng Nga-NATO ngày 12/1, trong đó hai bên “khẳng định một cách tiếp cận thống nhất của NATO đối với Nga, cân bằng giữa răn đe và đối thoại, đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ vững chắc đối với Ukraine.”
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết phía Mỹ đã tiếp cận các đề xuất của Nga một cách rất nghiêm túc, nhấn mạnh kết quả của các cuộc thảo luận vừa qua sẽ quyết định liệu Nga có sẵn sàng tham gia tiến trình ngoại giao hay không.
Ông nêu rõ tiến trình đàm phán với Mỹ về chủ đề đảm bảo an ninh là rất khó khăn và nếu không có “đột phá và nhượng bộ” thì không thể vượt qua các vấn đề gai góc, đồng thời nhắc lại Nga có phương án đáp trả “nếu bị ép tới sát lằn ranh đỏ.”
Ông cũng cho biết cả hai bên đang xem xét cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO như một cơ sở thử nghiệm để xem liệu Moskva có thể đi đến một thỏa thuận mới với liên minh quân sự này hay không.
Tuy nhiên, phát biểu trước cuộc họp Hội đồng Nga-NATO, Đại diện thường trực Mỹ tại NATO Julianne Smith cho hay Mỹ không nhận thấy cơ hội đạt được thỏa hiệp với Nga về vấn đề NATO mở rộng về phía Đông.
Theo bà, vào thời điểm hiện tại “không có ai đề xuất thay đổi chính sách của NATO” liên quan đến việc tiếp tục mở rộng tổ chức này” và không có nước NATO nào sẵn sàng thỏa hiệp với Nga về vấn đề này.
Tại cuộc họp, NATO sẽ chỉ tập trung thảo luận vấn đề giảm thiểu các rủi ro về quân sự, tính minh bạch của các hoạt động quân sự và việc kiểm soát vũ khí.
Điều đó cho thấy lập trường cứng rắn của NATO trong cuộc tham vấn an ninh ngày 12/1 với Nga.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố trong cuộc họp Hội đồng Nga-NATO, Washington không có ý định thảo luận việc NATO hạn chế kết nạp các thành viên mới.
Đánh giá về cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ ngày 10/1, chuyên gia Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) nhận định thái độ các bên sau đàm phán khá dè dặt, lập trường của Mỹ vẫn không thay đổi – đó là Washington không thể đưa ra những đảm bảo về việc NATO không tiếp tục mở rộng. Bởi vậy, ông không nghĩ rằng Nga và Mỹ/NATO có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận toàn diện nào.
Có thể nói kết quả cuộc tham vấn an ninh ngày 10/1 với việc hai bên tiếp tục cảnh báo về những “lằn ranh đỏ” phản ánh rõ những bất đồng sâu sắc và tình trạng thiếu niềm tin chiến lược giữa Nga và Mỹ.
Trong khi đó, nhà khoa học chính trị, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Arkhon của Nga Anton Viktorovich Bredikhin đánh giá quan hệ Nga-Mỹ vẫn rất phức tạp, khó khăn trong năm 2022, thậm chí sẽ trầm trọng hơn trên tất cả các hướng kinh tế, quân sự và chính trị.
Sẽ xuất hiện những lằn ranh đỏ mới giữa hai nước, không chỉ trong vấn đề Ukraine. Điều đó sẽ tác động tới cuộc họp Hội đồng Nga/NATO ngày 12/1.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia tin rằng việc Nga và Mỹ/NATO tiến hành đàm phán đã là tín hiệu đáng mừng, tránh những mối nguy hại trực tiếp đến an ninh quốc tế.
Như đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sau cuộc đàm phán, hai bên đã hiểu rõ hơn về các mối quan tâm và ưu tiên của nhau, từ đó Washington sẽ đánh giá hoạt động ngoại giao trước khi quyết định hướng đi trong tương lai của các cuộc đàm phán sắp tới.
Phía Nga cũng đánh giá cuộc đánh giá cuộc đàm phán an ninh với Mỹ là “bước khởi đầu tích cực” để hai bên duy trì đối thoại trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan vấn đề Ukraine.
Cả Nga và NATO đều nhất trí cần tiếp tục đối thoại, cụ thể là 3 cuộc tham vấn an ninh tại Geneva, Brussels và Vienna trung tuần tháng Một này. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc phối hợp và xây dựng lòng tin để có thể hóa giải lò lửa xung đột đang chờ bùng phát trong quan hệ Nga/NATO./
Ý kiến ()