Đậm nét nhân văn từ cuộc phát động viết thư “gửi lời xin lỗi” trong phạm nhân
LSO-Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn nằm trên địa bàn xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc với quy mô giam giữ 650 can, phạm nhân. Trong những năm qua, Ban Giám thị trại đã thường xuyên tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Trong đó, việc tổ chức phát động cho phạm nhân viết thư “gửi lời xin lỗi” đã được triển khai có hiệu quả. Sau hơn 5 tháng phát động, đã có 110 phạm nhân đang chấp hành án ở đây tham gia viết thư gửi lời xin lỗi đến thân nhân, người bị hại, cơ quan, tổ chức nơi phạm nhân từng sống, làm việc, học tập.
Phạm nhân lao động tại Trại tạm giam Công an tỉnh |
Thượng tá Vi Đức Tài – Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: việc phát động phạm nhân viết thư với chủ đề “gửi lời xin lỗi” nhằm làm cho phạm nhân có cơ hội bày tỏ những xúc cảm, những suy tư, những hối hận, ăn năn do hành vi phạm tội mà họ gây ra. Qua đó giúp họ trút bỏ những nỗi niềm day dứt, trăn trở, mặc cảm, tự ti để tìm được sự đồng cảm, vị tha của gia đình bị hại hay người thân, những tổ chức bị thiệt hại về tinh thần, vật chất do hành vi phạm tội của họ gây ra, tạo hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, giáo dục, giúp họ phục thiện, hoàn lương, trả về cho cuộc đời những người công dân có ích cho xã hội.
Để cuộc vận động đạt kết quả, Ban Giám thị trại tạm giam đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Giám thị làm trưởng ban. Đồng thời tổ chức phổ biến, quán triệt cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong từng phân trại, nắm vững mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của việc phát động phạm nhân viết thư “gửi lời xin lỗi”. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ quản giáo trực tiếp gặp gỡ từng phạm nhân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vướng mắc, mặc cảm, tự ti của họ. Từ đó, tuyên truyền, động viên phạm nhân vượt qua lỗi lầm, tự giác đăng ký viết thư và địa chỉ người nhận thư; trực tiếp giúp đỡ phạm nhân trong việc liên hệ, tiếp xúc với những người nhận thư. Chính điều đó càng thắp lên niềm tin, động lực cho các phạm nhân vượt qua mặc cảm, cố gắng cải tạo trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội như mong muốn của người nhận thư.
Mỗi bức thư viết ra, được gửi đi dẫu mang ý nghĩa, hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết đều bày tỏ sự ân hận về những hành vi, việc làm và tội lỗi của mỗi phạm nhân. Những lời ăn năn, sám hối muộn màng dù biết rằng có thể không được tha thứ nhưng họ tin rằng khi đã nói lên được hai tiếng “xin lỗi” chân thành sẽ làm vơi đi được những mặc cảm tội lỗi. Và đằng sau những bức thư, những lời xin lỗi ấy là những khát khao được phục thiện. Trong số này có 68 thư xin lỗi cha mẹ, 28 thư xin lỗi vợ con, 8 thư xin lỗi bạn bè, người thân, 3 thư xin lỗi bị hại… Phạm nhân Nguyễn Văn Thơ (đội 2) đã vô cùng ân hận khi tham gia đánh nhau và làm mẹ gẫy tay, trong thư gửi mẹ đã viết: “lá thư này con chỉ muốn nói lên một câu mà bấy lâu nay không nói ra được: con ngàn lần, vạn lần xin lỗi mẹ”. Phạm nhân Tô Văn Thái (đội 6) trong lá thư gửi cho vợ đã làm cho người đọc xúc động: “Anh đã suy nghĩ rất nhiều về hành vi của mình đã gây ra tổn thất và mất mát cho người khác, anh thấy những việc mình làm là hoàn toàn trái với pháp luật mà mình phải có trách nhiệm đối với việc mình đã gây ra. Anh thật sự rất hối hận chỉ mong em và mọi người đừng trách và tha thứ, anh thương em nhiều lắm”. Còn phạm nhân Lộc Văn Kiên có những dòng tâm sự của người con gửi cho ba mẹ thể hiện sự dằn vặt, day dứt, không làm trọn nghĩa của một người con: “Con viết lá thư này là từ bấy lâu nay con chưa thực hiện được, từ lúc sinh ra đến nay đã 19 tuổi rồi mà con chưa giúp gì được cho ba mẹ, mà toàn những chuyện buồn phiền và đau lòng. Bây giờ con xin lỗi ba mẹ vì con không làm tròn bổn phận của một người con trai, con rất buồn vì không nói lời xin lỗi với ba mẹ từ trước. Con rất mong ba mẹ tha thứ cho con để lương tâm con bớt day dứt, cải tạo tốt hơn”. Phạm nhân Phạm Tuấn Anh (đội 2) viết: “Xin lỗi mẹ vì những lỗi lầm đã qua, con tự nhủ phải động viên mình và cải tạo thật tốt, đó là món quà lớn nhất dành cho mẹ”… Những bức thư mang đầy sự, hối hận này sẽ được ban tổ chức tra cứu địa chỉ chính xác để gửi đến đúng địa chỉ mà phạm nhân đăng ký. Đây chính là những nhịp cầu khoan dung, góp phần giúp các phạm nhân xóa bỏ mặc cảm, cải tạo tốt và tái hòa nhập cộng đồng.
Để có thể nắm bắt, theo dõi hiệu quả đợt phát động, đơn vị đã thành lập tổ công tác để gặp gỡ đối tượng nhận thư và đề nghị họ phối hợp với đơn vị để tác động, giáo dục đến tư tưởng của phạm nhân, giúp họ chuyển biến trong nhận thức, cải tạo tiến bộ. Chị Hoàng Thị Ninh ở thị trấn Na Dương, là mẹ phạm nhân Hoàng Văn Cường (đội 4) tâm sự: “Thư cháu nói được như thế là có nhận thức tốt, tôi cũng cảm động và tha thứ cho nó, con mình đẻ ra bỏ đi đâu được, trước đây chơi bời quá mới có cơ sự này, tôi cũng bực do hoàn cảnh phải đi làm ăn xa không thường xuyên dạy dỗ cháu được. Cảm ơn trại đã có cách gợi mở cho phạm nhân, những người như con tôi biết suy nghĩ về những điều tốt đẹp”. Còn ông Lưu Văn Thường (trú tại huyện Hữu Lũng), là bố đẻ của phạm nhân Lưu Thế Anh đã xin được đến dự hội nghị sơ kết đợt phát động. Trong xúc động, ông nói: “Trước đây tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến trại giam để dự hội nghị vì sợ mọi người dị nghị, xấu hổ vì con. Thế nhưng sau khi đọc thư của con gửi về xin lỗi cả hai bên gia đình nội ngoại, tôi đã quyết định đến dự và rủ cả người thân trong gia đình cùng đi. Tại hội nghị có nhiều điều tốt đẹp đã làm cho tôi bất ngờ mà từ trước tới nay tôi chưa hình dung ra được”.
Đại tá Hoàng Quang Vọ – Giám thị trại tạm giam cho biết: đây là một hình thức giáo dục mang tính nhân văn, khơi dậy tính thiện tiềm ẩn trong con người của phạm nhân. Đồng thời giúp cán bộ quản giáo nắm tâm lý, tư tưởng phạm nhân để có biện pháp giáo dục phù hợp; kêu gọi các tổ chức xã hội, chính quyền, địa phương, gia đình, người thân, người bị hại cùng vào cuộc giúp đỡ họ hoàn thiện nhân cách, trở thành công dân tốt.
THỦY QUYÊN
Ý kiến ()