Đam mê những cánh bướm
Không được may mắn như những người bình thường, chị Vũ Thị Nguyệt Ánh, sinh năm 1979, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch Hội người khuyết tật TP Bảo Lộc bị khuyết tật ở đôi chân từ khi còn nhỏ. Thay vì đùa chơi, chạy nhảy như các bạn cùng trang lứa, Nguyệt Ánh im lặng hàng giờ bên bờ cỏ, hàng rào quanh tường nhìn những con bướm sặc sỡ đủ sắc mày. Và cô bé Nguyệt Ánh không thể ngờ được rằng, hơn hai chục năm sau, những cánh bướm ấy đã trở thành những bức tranh nghệ thuật đầy cảm xúc nức tiếng gần xa.
Nguyệt Ánh nhớ lại: “Tôi yêu nước cánh bướm bay rập rờn trong nắng, đam mê chúng, cũng chính vì vậy mà tôi có thể nắm được quy luật sinh tồn của loài bướm. Chúng xuất hiện vào mùa nào? Khi nào sắc màu trên cánh bướm thắm nhất? Hoa nào bướm thích đậu. Tình yêu của tôi không chỉ dừng lại vào việc thả hồn cũng những cánh bướm mà tôi đã tìm tòi, khám phá, để biến những cánh bướm ấy trở thành những bức tranh đầy cảm xúc. Lúc đầu chỉ là những bức tranh treo trong phòng khách gia đình. Nhưng khi những người khách của bố mẹ tôi đến chơi đều trầm trồ, ngạc nhiên và khen ngợi”.
Thế rồi, sau năm 2000, khi vừa mới tốt nghiệp trường Trung cấp nghề, chị Nguyệt Ánh quyết định không đi xin việc làm mà trở về nhà tiếp tục với ước mơ của mình: làm tranh bướm. Từ đó, cơ sở sản xuất tranh bướm thủ công Ánh Kim ra đời. Những thành viên khác trong gia đình cũng bắt đầu theo học làm tranh bướm cùng chị.
Chị Ánh chia sẻ: “Đến nay, tôi đã sưu tầm được hơn năm chục loài bướm. Đó thật sự là những gam màu kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống và con người. Chính chất liệu đặc biệt ấy là nguồn cảm hứng vô tận giúp tôi tạo nên những bức tranh sinh động, có hồn”.
Xưởng sản xuất của chị đã cho ra đời hàng ngàn những bức tranh với nhiều chủ đề như quê hương, phong cảnh, con người,…bằng những cánh bướm khô tưởng trừng như không giá trị nhưng khi chúng được sắp đặt dưới bàn tay đầy điêu luyện, khéo léo, tỉ mỉ trở nên có giá trị.
Để có sẵn nguồn nguyên liệu là những con bướm, cánh bướm chị Ánh đã tự nuôi bướm tạo nguyên liệu tại chỗ. Mặt khác, chị Ánh đã nuôi bướm nhằm bảo tồn các loài bướm quý hiếm.
Cơ sở sản xuất tranh bướm Ánh Kim dần được nhân rộng ra các tỉnh trên cả nước. Không chỉ bán trong nước, trong bướm đã xuất khẩu ra nước ngoài với những đơn đặt hàng qua điện thoại, email. Từ những bước tiêu bản mộc có giá trị từ 300-400 nghìn đồng đến những bộ sưu tập bướm, tranh ghép bướm, tranh thêu tay và bướm lên chục triệu đồng.
Những bức tranh bướm đã đạt được nhiều giải thưởng: Giải khuyến khích về sản phẩm thủ công mỹ nghệ sáng tạo tỉnh Lâm Đồng; là sản phẩm lọt vào vòng chung kết tại Hội chợ Làng nghề và thi sản phẩm thủ công toàn quốc tại Hà Nội.
Qua gần 15 năm khởi nghiệp, cơ sở của chị đã cho ra đời hàng nghìn bức tranh các loại, mang lại việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.
Tại Hội nghị Thi đua yêu nước của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam diễn ra sáng nay 9-8, tại Hà Nội, tấm gương của chị Vũ Thị Nguyệt Ánh khiến biết bao người cảm phục. Chị thật sự là một tấm gương sống đầy nghị lực, đam mê, nhiệt huyết không chỉ cho những người khuyết tật mà ngay cả những người bình thường cũng cần học hỏi. Một người con gái tuy khuyết tật nhưng tâm hồn lại như những cánh bướm luôn có ước mơ và khát vọng bay cao, bay xa.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()