Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa lễ hội
(LSO) – Trên địa bàn tỉnh có trên 300 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra ở các huyện và thành phố. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) mùa lễ hội, các cấp, ngành chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2019, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (Ban chỉ đạo) tỉnh. Cùng với đó, tại các huyện, thành phố, các xã, thị trấn đã thành lập các đoàn, đội kiểm tra liên ngành. Cụ thể, đã thành lập 238 đoàn, đội kiểm tra từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Trong đó, 1 đoàn kiểm tra tuyến tỉnh; 11 đoàn kiểm tra tuyến huyện, thành phố; 226 đội kiểm tra tuyến xã. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã ban hành các văn bản, kế hoạch tăng cường các biện pháp đảm bảo VSATTP dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019.
Du khách tham quan hội thi Hương sắc ẩm thực Xứ Lạng, thành phố Lạng Sơn năm 2018
Theo đó, từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 25/3/2019, ban chỉ đạo liên ngành các cấp tiến hành các biện pháp thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do các đoàn của cấp huyện và cấp xã thực hiện. Nội dung kiểm tra: việc chấp hành thủ tục hành chính về ATTP (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; việc thực hiện đúng quy định về công bố chất lượng sản phẩm trước khi lưu thông ra thị trường; việc chấp hành các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh; ghi nhãn hàng hóa…
Từ ngày 1/1/2019 đến nay, các đoàn đã kiểm tra 1.080/7.324 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó, phát hiện 284 cơ sở vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 128 triệu đồng. Qua kiểm tra cho thấy: đa số các cơ sở có ý thức chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên có một số cơ sở vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị không đảm bảo vệ sinh.
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở, cơ quan chức năng chú trọng tuyên truyền các biện pháp VSATTP tới người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ ngày 1/1/2019 đến nay, ban chỉ đạo các cấp chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức 1 cuộc tập huấn, 138 buổi nói chuyện; tuyên truyền trên loa phát thanh huyện, xã trên 400 lượt; treo gần 200 băng rôn, gần 4.000 tờ rơi… về các quy định, biện pháp đảm bảo VSATTP.
Ngoài thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng, người kinh doanh thực phẩm cũng chủ động các biện pháp đảm bảo VSATTP, tạo uy tín, thu hút khách hàng. Chị Phạm Thị Nhài, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, chủ hàng bán lợn quay cho biết: Được các ngành chức năng tuyên truyền, tập huấn về VSATTP, tôi luôn quan tâm và thực hiện tốt việc đảm bảo VSATTP. Trong đó, lợn khi mua về quay đều được chọn lựa những con to, khỏe, không bị bệnh, có nguồn gốc chứng nhận kiểm định của cơ quan chuyên môn. Như vậy vừa đảm bảo VSATTP vừa cho chất lượng thịt quay thơm ngon, thu hút du khách. Mùa lễ hội, bình quân tôi bán được từ 3 đến 5 con lợn quay/ngày.
Ông Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh cho biết: Thời gian qua, với sự vào cuộc sát sao của ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP các cấp, công tác VSATTP được đảm bảo. Qua đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Thời gian tới, Ban chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo VSATTP trong mùa lễ hội, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó, sẵn sàng các phương án để xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Mùa lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra đến hết tháng Giêng âm lịch. Vì vậy, để tránh xảy ra tình trạng mất VSATTP dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân đi du xuân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình, chỉ mua, sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo vệ sinh, có nguồn gốc, xuất xứ.
TRIỆU THÀNH - DUY PHÁT
Ý kiến ()