Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú
(LSO) – Số lượng trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh ngày càng nhiều, vì vậy, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ngày càng được các trường chú trọng thực hiện, nhằm đảm bảo các em có sức khỏe tốt, phát triển đầy đủ cả về trí lực và thể lực.
Cô Đàm Minh Phước, Trường Mầm non xã Yên Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Tuy điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều khó khăn, phải học nhờ trường tiểu học của xã nhưng nhà trường vẫn bố trí khu bếp ăn khá thoáng mát, sạch sẽ, đảm bảo VSATTP. Quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm luôn được thực hiện đúng tiêu chuẩn, bữa ăn của trẻ có đầy đủ nhóm: đạm, béo, đường, rau củ và trái cây. Nhà trường tính khẩu phần ăn cho trẻ bằng phần mềm dinh dưỡng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo thực đơn không lặp lại trong tuần và phong phú món ăn.
Nhân viên nấu ăn Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Lạng Sơn vệ sinh dụng cụ sau bữa ăn
Còn tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, “bếp ăn mẫu bán trú” được thiết kế theo chuẩn các nguyên tắc VSATTP và nâng cao hiệu suất hoạt động của bếp, được xây dựng với tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng từ các nguồn tài trợ xã hội hóa. Khu vực bếp ăn bán trú của trường áp dụng quy tắc một chiều, chia thành các khu riêng biệt, bao gồm: khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. Cô Ngô Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với quy trình này, việc chế biến thức ăn luôn đảm bảo VSATTP. Qua đó nhằm mang đến cho học sinh những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, ngon miệng.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đối với các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh hiện có 651 bếp ăn tập thể, trong đó: cấp mầm non 402 bếp; cấp tiểu học 173 bếp; cấp THCS 74 bếp; cấp THPT 2 bếp. Có tổng số 1.573 nhân viên nấu ăn. Để học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều phối hợp với Chi cục VSATTP và trung tâm y tế các huyện, thành phố tuyên truyền đến các nhà trường nâng cao ý thức trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về VSATTP. Theo đó, từ năm học 2017 – 2018 đến nay, ngành giáo dục tỉnh đã phối hợp tuyên truyền cho trên 1.000 lượt nhân viên nấu ăn trường học của các đơn vị trên địa bàn tỉnh về VSATTP.
Đặc biệt, để chuẩn bị cho năm học 2018 – 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức trên 12 cuộc tập huấn, bồi dưỡng cho trên 1.430 nhân viên nấu ăn của các trường về công tác VSATTP. Các nội dung tập huấn thiết thực, phù hợp với hoạt động thực tế của các bếp ăn bán trú như: Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành; phổ biến quy định kiểm định nước sinh hoạt và nước ăn uống; thống nhất các loại hồ sơ, sổ sách liên quan đến bếp ăn bán trú và công tác quản lý bếp ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục; tìm hiểu về dinh dưỡng bữa ăn, tháp dinh dưỡng đối với trẻ em…
Cùng đó, hằng năm, 100% cơ sở có tổ chức ăn bán trú đều được Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm nghiệm, đảm bảo thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo VSATTP; 100% các cơ sở, bếp ăn đều thực hiện việc lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Nhờ đó, trong những năm học gần đây, tại các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm và không có dịch bệnh đường tiêu hoá thông qua thực phẩm. Đặc biệt, các bệnh liên quan đến các vấn đề dinh dưỡng có xu hướng giảm. Năm học 2017 – 2018 thông qua công tác khám sức khỏe, phát hiện có 3,46% nhóm trẻ và học sinh mắc các bệnh về dinh dưỡng (giảm 0,54% so với năm học 2016 – 2017)
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()