Đảm bảo sự phát triển của trẻ
LSO-Sau 3 năm thực hiện Thông tư Liên tịch số 22/2013-TTLT-GD&ĐT-YT, ngày 18/6/2013 của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế về quy định đánh giá công tác y tế tại các trường mầm non (MN), công tác y tế tại các trường MN trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến mới.
Giờ vệ sinh của trẻ 3 tuổi Trường Mầm non thị trấn Na Sầm (Văn Lãng) |
Tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ
Mặc dù cơ sở vật chất vẫn còn đang trong tình trạng chật chội, số trẻ đông, song Trường MN xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) đã cố gắng sắp xếp các lớp học, các phòng chức năng để đảm bảo vệ sinh, an toàn cho trẻ vui chơi, ăn ngủ bán trú theo đúng các quy định của Thông tư Liên tịch số 22/2013. Cô Loan Thị Thao, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: là trường MN ở khu vực nông thôn, ngoài việc đảm bảo sức khỏe cho sự phát triển bình thường của trẻ tại trường chính và 2 điểm trường lẻ, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn có ý thức tuyên truyền cho các bậc phụ huynh về phương pháp chăm sóc trẻ, cách phát hiện bệnh của trẻ, đảm bảo an toàn khi đưa đón trẻ…
Theo số liệu của ngành GD&ĐT, đến cuối tháng 3/2016, cấp học MN có 220 trường với 2.158 lớp/54.122 học sinh. Do cơ sở vật chất được tăng cường nên đã có trên 82% số trường, trên 78% số phòng học đảm bảo các điều kiện theo quy định của Thông tư 22. Bằng các kênh, trong đó có vốn ngân sách huyện, vốn tài trợ, nhiều trường MN đã kiên cố hóa bếp ăn, khảo sát và kiểm tra nguồn nước, xây dựng công trình vệ sinh; bổ sung đồ dùng đồ chơi nên các trường MN đã thuận lợi hơn trong việc bảo vệ sức khỏe và chăm sóc học sinh. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên, nhân viên đã dần được kiện toàn. Toàn cấp học đã có 5.215 giáo viên và 1.713 nhân viên, trung bình đạt 3,2 giáo viên, nhân viên/lớp. Mặc dù nhiều trường phổ thông do thiếu nhân viên y tế, phải cử nhân viên có trình độ chuyên môn khác phụ trách hoặc hợp đồng với trạm y tế xã để chăm sóc sức khỏe học sinh, song tất cả các trường MN đã có nhân viên y tế và được bồi dưỡng thường xuyên để đảm bảo công việc phù hợp với cấp học.
Tăng cường hoạt động của y tế trường học
Đến cuối học kỳ I đã có 195 trường MN khám sức khỏe định kỳ cho học sinh như: đo cân nặng, chiều cao, ghi và theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ. Trong công tác phục vụ bán trú, ngoài việc nâng cao kiến thức và trách nhiệm của đội ngũ phục vụ, các trường MN đã sử dụng phầm mềm trong quản lý dinh dưỡng của trẻ theo độ tuổi nên trẻ được ăn đúng khẩu phần, đảm bảo đủ dinh dưỡng. Thống kê cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân độ tuổi nhà trẻ ở mức 8,39%, độ tuổi mẫu giáo là 7,54% (trẻ 5 tuổi là 6,78%); tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở độ tuổi nhà trẻ là 14%, trẻ mẫu giáo là 9,3% (trẻ 5 tuổi là 6,53%). Tuy tỷ lệ bếp “một chiều” vẫn còn thấp, song các nhà trường đã có nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu cung ứng, bảo quản, chế biến đến bàn ăn của học sinh. Cô Đỗ Thanh Loan, Phó Phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn cho biết: bài học về ngộ độc thực phẩm trong trường MN cách đây 4 năm vẫn luôn luôn cảnh tỉnh đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường về đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhà trường. Ngành GD&ĐT Bắc Sơn luôn thống nhất trong chỉ đạo: đơn vị nào chưa đảm bảo được trang thiết bị nhà bếp, trình độ nhân viên và các điều kiện cần thiết khác thì dứt khoát chưa tổ chức ăn bán trú. Vì vậy, các nhà trường đã quan tâm đến trang thiết bị và con người như điều kiện tiên quyết trong tổ chức ăn bán trú.
Không chỉ y tế trường học, tất cả giáo viên trực tiếp đứng lớp đều được tập huấn kiến thức y tế, về nhận biết các dấu hiệu đau ốm của học sinh, phân biệt bệnh, kỹ thuật sơ cứu, vì vậy, những tai nạn trong hoạt động và vui chơi của học sinh đều được xử lý tốt, không để diễn biến xấu xảy ra.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: Nhìn chung ngành GD&ĐT đã có nhiều cố gắng tuân thủ những quy định đảm bảo y tế trong các trường MN. Sự cố gắng đó đã phát huy hiệu quả là đã đảm bảo các điều kiện cho sự phát triển bình thường của trẻ, phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường, không để dịch bệnh lây lan và không có ngộ độc thực phẩm. Tuy vậy vẫn còn một số trường, điểm trường quá gần chợ, đường quốc lộ, gần nơi nguy hiểm như dốc cao, vùng dễ bị sạt lở, ngập úng… nên ngành GD&ĐT cần có những giải pháp thiết thực để khắc phục.
MINH HỒNG
Ý kiến ()