Đảm bảo sự bền vững của chương trình Methadone
(LSO) – Ngày 5/8/2014, cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đầu tiên của tỉnh chính thức bước vào hoạt động với 15 bệnh nhân được khởi liều. Sau 6 năm hoạt động, chương trình Methadone Lạng Sơn đã khẳng định tính ưu việt.
Đưa dịch vụ đến gần dân
Được tin Trung tâm Y tế huyện Văn Lãng mở điểm cấp phát thuốc tại Trạm Y tế xã Tân Mỹ, anh Hoàng Trọng Quyết, thôn Nà Lầu, xã Tân Thanh mừng lắm. Thế là từ nay thay vì phải đội nắng gạt mưa đi về với hơn 20 km từ bản giáp biên đến Trung tâm Y tế huyện để uống thuốc, anh chỉ cần đi 5 km là đến nơi cấp phát. Anh cho biết: Biết là cần phải uống đều, uống đủ mới giảm và tiến tới từ bỏ ma túy, song đường xá xa xôi nên nhiều khi cũng lười, nhất là những ngày mưa rét, thậm chí chán và có ý định từ bỏ. Rất may là cơ sở cấp phát thuốc tại Tân Mỹ đi vào hoạt động và em lại được tiếp tục điều trị.
Theo Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, mục tiêu lớn nhất của Chương trình Methadone là giảm hại, phòng chống sự lây lan của HIV/AIDS. Tuy nhiên, sau khi triển khai, chương trình không chỉ dừng lại mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS mà đã phát huy tác dụng đa mục tiêu – trở thành chương trình cai nghiện ma túy dạng thuốc phiện mang tính phổ cập trong toàn quốc. Trong quá trình hoạt động, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành y tế, đơn vị và các trung tâm y tế đã khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng các cơ sở điều trị và mở thêm các điểm cấp phát thuốc.
Bác sĩ Chương trình Mehtadone Lạng Sơn khám sàng lọc và tư vấn cho bệnh nhân cai nghiện ma túy
Từ khi bước vào hoạt động đến nay, toàn tỉnh đã có 10 cơ sở điều trị tại các huyện, thành phố và 9 cơ sở cấp phát thuốc tại các khu vực, trong đó có những khu vực thuộc vùng biên giới, vùng khó khăn. Qua đó, đã giảm thiểu số bệnh nhân bỏ trị vì lý do khách quan như: đường xá, địa hình, thời tiết… Nhờ đó, tính bền vững của chương trình được khẳng định, hiệu quả điều trị của chương trình được nâng cao. Đến tháng 7/2020, Chương trình Methadone Lạng Sơn đã có tổng cộng 1.609 bệnh nhân, đạt 100% chỉ tiêu UBND tỉnh giao và bằng 180% chỉ tiêu Chính phủ giao.
Cần có những tác động tích cực
Trong buổi làm việc với Phòng khám đa khoa thuộc CDC Lạng Sơn, chúng tôi được chứng kiến nhiều phụ huynh đưa con em đến xin được tái “khởi liều”. Đưa con đến khám sàng lọc, bà Nguyễn Thị An, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn vừa trách móc, vừa an ủi người con trai đã gần 40 tuổi: “Đã đi khắp nơi cai nghiện nhưng có cai được đâu, đã bảo rồi, đây là nơi cuối cùng rồi nên phải cố theo đến cùng”. Với thái độ biết lỗi, người con trai chống chế: “Thì con vẫn theo, nhưng mấy tuần rồi xin đi làm dưới Bắc Giang mới bị “nhỡ” đấy chứ”. Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó trưởng Phòng khám Đa khoa và chuyên khoa thuộc CDC Lạng Sơn cho biết: Hầu hết người bệnh của chương trình là những người trong độ tuổi lao động. Trước đây, nhiều người cũng có nghề nghiệp, có thu nhập ổn định song mắc vào nghiện ma túy, bỏ việc, không thu nhập, phải sống nhờ vào gia đình để có cái ăn, thuốc chích. Thống kê của CDC Lạng Sơn cho thấy: trước khi tham gia chương trình, có đến 76,7% số bệnh nhân không có việc làm, không có thu nhập. Khi tham gia chương trình và điều trị ở giai đoạn duy trì liều, nhiều người muốn có việc làm và có thu nhập ổn định, vừa để phụ giúp gia đình, xua đi tâm lý “ăn bám”, vừa để có tiền tiêu dùng cá nhân và đóng góp các khoản dịch vụ theo quy định. Vì vậy, chỉ sau 6 tháng điều trị, tỷ lệ bệnh nhân không có việc làm, không có thu nhập chỉ còn 47,7%.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn người bệnh muốn có việc làm phải đi xa, xuống tận Bắc Giang, Bắc Ninh làm cho công ty. Khao khát việc làm đã khiến họ bỏ dở chương trình điều trị, khi đứng trước nguy cơ tái nghiện ma túy, họ mới quay về xin điều trị tiếp. Trong số 1.586 lượt người bỏ trị, đã có 1.186 lượt người bỏ trị vì lý do việc làm, trong đó, số quay trở lại xin được tiếp tục “khởi liều” để tham gia chương trình là gần 900 người, chiếm gần 76%.
Điều trị bằng Methadone thực chất là điều trị bệnh mạn tính lâu dài, đòi hỏi phải có tính bền vững của cả cơ sở điều trị và sự kiên trì của bệnh nhân. Sự kiên trì đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, sự đồng hành của người thân, việc làm và thu nhập của người bệnh. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân sống độc thân, họ đã không được động viên, giúp đỡ kịp thời của người thân, lại đối mặt với sự thiếu thốn về vật chất, không có việc làm ổn định… nên rất dễ bỏ trị hoặc vi phạm pháp luật và tự mình đánh mất cơ hội của chính mình.
Vì vậy, ngoài việc thực hiện chính sách đối với bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách… theo Nghị định 90/2016/NĐ-CP, ngày 1/7/2016 của Chính phủ “Quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế”, rất cần sự chỉ đạo của chính quyền, sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể trong việc dạy nghề, vận động các doanh nghiệp nhận người đang điều trị Methadone vào làm công việc phù hợp để họ vừa điều trị, vừa hòa nhập cộng đồng.
Ý kiến ()