Đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có công điện gửi các đơn vị thuộc Bộ yêu cầu triển khai một số công việc để đảm bảo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài góp phần ổn định đời sống của người lao động.
Trước đó ngày 15/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 697/CĐ-TTg về việc bảo đảm an ninh, trật tự, trong đó khẳng định việc nhân dân cả nước biểu thị lòng yêu tổ quốc, phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan HD981 tại vùng biển Việt Nam là chính đáng; đồng thời nêu rõ việc một số người có hành vi vi phạm phápluật, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, môi trường đầu tư và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta . Trong tình hình hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương trong việc triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp bảo đảm sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp theo quy định của pháp luật để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sớm ổn định và trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện hỗ trợ người lao động trong thời gian doanh nghiệp ngừng hoạt động. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan kịp thời nắm bắt thông tin, khẩn trương triển khai các biện pháp giúp đỡ doanh nghiệp bị ảnh hưởng về hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu kế toán, chứng từ để không làm ảnh hưởng đến công tác kê khai nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế của doanh nghiệp; Khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong việc khai hải quan điện tử để hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được thông quan kịp thời không bị gián đoạn; nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý để bảo đảm hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bình thường của doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhất là những doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết các thiệt hại của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm, số thiệt hại bất khả kháng sau khi được đơn vị bảo hiểm bồi thường, các cơ quan thuế, hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12 Luật Thuế GTGT; Điều 18, Điều 19 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với những phần giá trị tổn thất bất khả kháng khác không được bồi thường thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 9 Luật Thuế TNDN được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với “… phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường”. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương kiểm tra, xác định những thiệt hại cụ thể về tài sản đã được bảo hiểm để kịp thời giải quyết bồi thường theo hợp đồng giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cần có biện pháp phòng ngừa việc lợi dụng tình hình này để trục lợi bảo hiểm. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()