LSO-Những năm qua, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố. Các hồ, đập lớn cơ bản đã được sửa chữa, nâng cấp, kết hợp với lượng mưa khá đều trong năm nay đảm bảo điều kiện tích đủ nước cho sản xuất đông xuân 2012-2013.
Nhân dân xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan kiên cố hoá kênh mương
Theo ước tính, nếu phát huy hết năng lực tưới, thì hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh có thể chủ động được 70% nước tưới cho diện tích đất canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, các hồ, đập lớn trên địa bàn tỉnh đều đã được xây dựng từ rất lâu, nhiều công trình đã đưa vào khai thác từ hơn 40 năm trước. Chính vì vậy, việc tu sửa, nâng cấp các công trình này được tỉnh đặc biệt chú trọng. Trong vòng 2 năm trở lại đây, rất nhiều hồ thủy lợi lớn đã tiến sửa chữa, hầu hết đã hoàn thành và đưa và sử dụng từ trước vụ đông xuân năm nay. Đây là điểm rất thuận lợi cho sản xuất. Ông Hà Văn Đoàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn điểm qua: những hồ chứa lớn như Thâm Luông (Tràng Định); Nà Cáy, Tà Keo (Lộc Bình); Vài Cà (Chi Lăng); Vũ Lăng (Bắc Sơn)…đã hoàn tất công tác sửa chữa, nâng cấp, hiện đang tích nước rất tốt, cùng với các tuyến kênh mương chính không ngừng được gia cố. Ngoài ra, phải kể đến khoản kinh phí 17 tỷ đồng phân bổ từ ngân sách Trung ương cho công tác chống hạn năm 2012 đã tạo điều kiện cho Lạng Sơn tiến hành củng cố, nâng cấp và xây mới nhiều tuyến kênh mương chính, một mặt tiết kiệm được nước, mặt khác tăng diện tích chủ động tưới lên đáng kể.
Theo phân cấp, hiện nay Công ty TNHH 1 thành viên khai thác công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác 352 công trình thủy lợi. Theo lãnh đạo Công ty, với lượng mưa khá đều trong năm, và hiện trạng các công trình đang quản lý hiện nay, thì Công ty có thể đảm bảo chủ động nước cho trên 15.000ha diện tích gieo trồng trong vụ đông xuân, trong đó chủ động nước cho khoảng 9.000ha lúa xuân. Thêm một điểm thuận lợi nữa là theo Nghị định số 67/2012/ND-CP của Chính phủ, thì từ 1/1/2013 thủy lợi phí sẽ được điều chỉnh tăng gần gấp 2 lần so với mức hiện tại. Từ năm 2008, khi triển khai chính sách miễn thủy lợi phí, hàng năm ngân sách nhà nước cấp bù hụt thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là hơn 10 tỷ đồng, nguồn kinh phí này là rất quan trọng. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm cho các công trình. Mức thủy lợi phí tăng lên, đồng nghĩa với kinh phí cấp bù cũng tăng. Như vậy ngay từ đầu vụ sản xuất 2013, Lạng Sơn đã có thêm nguồn lực đáng kể để củng cố hệ thống thủy lợi. Ngoài các công trình thủy lợi lớn do Công ty quản lý, khai thác, thì trong những năm qua, Lạng Sơn đã xây dựng được trên 1.000 công trình thủy lợi kiên cố và trên 2.300 công trình thủy lợi nhỏ do nhân dân các địa phương tự đầu tư, xây dựng. Tuy đó chỉ là những công trình thủy lợi có quy mô nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng. Những công trình do dân tự đầu tư được quản lý, sử dụng rất hiệu quả bởi chính cộng đồng được hưởng lợi, hàng năm hệ thống thủy lợi nhỏ này chủ động nước cho hơn 10.000ha đất canh tác. Trong 2 năm trở lại đây, hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào ra quân đầu xuân làm thủy lợi đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 187 xã tổ chức ra quân, đóng góp gần 46.000 ngày công lao động và hàng nghìn mét khối vật liệu như cát, sỏi để kiên cố hóa, phát dọn kênh mương và xây mới một số công trình nhỏ. Qua đó làm tăng thêm diện tích đất sản xuất chủ động nước.
Đập Phai Sen, huyện Lộc Bình tích nước phục vụ cho sản xuất – Ảnh: BT
Thời điểm này, các địa phương trong toàn tỉnh đang khẩn trương xây dựng kế hoạch để triển khai công tác ra quân làm thủy lợi trước và sau tết Nguyên đán. Đồng thời ngành NN&PTNT cũng đang tích cực chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác tiếp tục rà soát và khẩn trương khắc phục những công trình hư hỏng, xuống cấp. Kế hoạch đề ra là trong vụ đông xuân 2012-2013, toàn tỉnh sẽ chủ động nước cho trên 26.400 ha diện tích các loại cây trồng, tăng gần 200ha so với cùng kỳ năm trước. Thêm một điểm mới trong vụ sản xuất này là việc điều tiết nước sẽ được triển khai theo hướng đồng loạt, căn cứ vào lịch thời vụ gieo trồng mà ngành hữu quan đã khuyến cáo.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()