Đảm bảo nguồn thịt lợn sạch trên thị trường
(LSO) – Tính đến ngày 24/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 11/11 huyện, thành phố. Để nguồn thịt lợn bày bán trên thị trường đảm bảo là thịt sạch (lợn không bị bệnh), cơ quan chuyên môn, các cơ sở giết mổ chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó.
Từ khi có thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, và đặc biệt là xuất hiện trong tỉnh Lạng Sơn, gia đình ông Lê Văn Tiến (chủ cơ sở thu mua, giết mổ lợn), thuộc khối 7, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chủ động thực hiện các biện pháp để đảm bảo cung cấp nguồn thịt lợn sạch ra thị trường.
Ông Tiến cho biết: Việc đảm bảo lợn thịt không bị bệnh được gia đình tôi đặc biệt quan tâm. Bởi nếu thu mua lợn bị bệnh không chỉ bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý mà còn mất uy tín dẫn đến phải đóng cửa lò mổ. Vì vậy, tôi trực tiếp đi thu mua lợn tại một số huyện trong tỉnh, lợn thu mua nhìn bằng mắt thường phải khỏe mạnh, nơi thu mua không xuất hiện bất cứ loại bệnh dịch nào và được cơ quan chức năng cho phép thu mua. Ngoài ra, tôi còn thu mua lợn của Công ty Dabaco (Bắc Ninh); khi mua lợn, công ty có giấy kiểm dịch vận chuyển của Chi cục Chăn nuôi – thú y Bắc Ninh cấp.
Nguời dân mua thịt lợn tại chợ Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn
“Trước và trong quá trình giết mổ đều có cán bộ thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch mới được xuất bán ra thị trường. Hiện nay, gia đình tôi giết mổ từ 10 đến 13 con lợn/ngày. Sau khi giết mổ, tôi bán cho một số hộ kinh doanh thịt lợn tại chợ Giếng Vuông” – ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Lý Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố cho biết: Qua kiểm tra, lợn thịt trên địa bàn thành phố chủ yếu do các cơ sở giết mổ thu mua của các công ty ngoài tỉnh, như: Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Hòa Phát, Dabaco… Để đảm bảo nguồn thịt lợn sạch trên địa bàn, trung tâm kiểm tra, kiểm soát giết mổ chặt chẽ đối với các cơ sở giết mổ (8 cơ sở) trên địa bàn. Lợn thịt phải đảm bảo có đầy đủ giấy tờ của cơ quan chức năng như: giấy kiểm dịch vận chuyển, giấy xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, lợn trước khi giết mổ được kiểm tra lâm sàng xem có triệu chứng biểu hiện các loại bệnh hay không; trong quá trình giết mổ, kiểm tra thịt lợn có màu sắc bất thường, có sán, hạch… hay không, sau đó mới đóng dấu để bán ra thị trường. Đối với lợn do người dân chăn nuôi trên địa bàn (chiếm phần ít), những con khỏe, không nằm trong vùng dịch được giết mổ và bán tại chỗ; những con ốm, chết đều được cơ quan chức năng tiêu hủy, khoanh vùng, khử trùng, dập dịch. Vì vậy, nguồn thịt lợn trên địa bàn đảm bảo an toàn.
Tại Hữu Lũng, việc đảm bảo lợn thịt sạch được đặc biệt quan tâm. Nguồn lợn thịt chủ yếu là của các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện. Theo bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, tất cả lợn bị bệnh, ốm, chết đều được người dân báo và lực lượng chức năng tiêu hủy. Tại vùng dịch lợn, sản phẩm từ lợn không được vận chuyển ra bên ngoài. Không chỉ vậy, trung tâm cử cán bộ kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở giết mổ trên địa bàn, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Không chỉ tại Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn, các huyện khác đều tập trung, triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo thịt lợn sạch bán trên địa bàn. Có thể thấy, nguồn lợn thịt và thịt lợn bán trên thị trường hiện nay được đảm bảo sạch. Những khu vực có lợn bị bệnh đều được khoanh vùng, dập dịch. Đồng thời, tiêu hủy toàn bộ những con lợn bị bệnh, ốm, chết. Công tác kiểm dịch vận chuyển được chú trọng, tỉnh thành lập các chốt kiểm dịch tại những điểm thông thương với các tỉnh có bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đó ngăn chặn lợn bị bệnh vào địa bàn.
Ý kiến ()