LSO-Lạng Sơn là tỉnh miền núi, người dân chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn nước tự nhiên ở nhiều địa phương hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguồn nước mưa nên việc tưới tiêu cũng như đảm bảo cho cây trồng kịp thời vụ luôn là trăn trở hàng đầu của người nông dân. Thực tế ở một số nơi đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn trên, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc là một ví dụ. Các ao tích nước cạnh các thửa ruộng khi cần có thể đáp ứng cho việc tưới tiêuĐi từ thôn Bản Luận đến thôn Chè Lân của xã Hòa Cư, ấn tượng với chúng tôi không chỉ là con đường mới rải nhựa, bê tông phẳng lì mà còn bởi những giếng khoan nằm giữa cánh đồng lúa hai bên đường. Giếng này không phải dùng để lấy nước sinh hoạt mà người dân dùng nó phục vụ nguồn nước cho cây trồng. Ông Mã Văn Đại, thôn Co Cam chia sẻ: cả thôn chúng tôi không có dòng suối tự nhiên nào chảy qua, trừ những hộ gần đập Thang Pò, xóm Đông...
LSO-Lạng Sơn là tỉnh miền núi, người dân chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn nước tự nhiên ở nhiều địa phương hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguồn nước mưa nên việc tưới tiêu cũng như đảm bảo cho cây trồng kịp thời vụ luôn là trăn trở hàng đầu của người nông dân. Thực tế ở một số nơi đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn trên, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc là một ví dụ.
Các ao tích nước cạnh các thửa ruộng khi cần có thể đáp ứng cho việc tưới tiêu
Đi từ thôn Bản Luận đến thôn Chè Lân của xã Hòa Cư, ấn tượng với chúng tôi không chỉ là con đường mới rải nhựa, bê tông phẳng lì mà còn bởi những giếng khoan nằm giữa cánh đồng lúa hai bên đường. Giếng này không phải dùng để lấy nước sinh hoạt mà người dân dùng nó phục vụ nguồn nước cho cây trồng. Ông Mã Văn Đại, thôn Co Cam chia sẻ: cả thôn chúng tôi không có dòng suối tự nhiên nào chảy qua, trừ những hộ gần đập Thang Pò, xóm Đông Nọi thì đa số trước đây mùa vụ chủ yếu trông chờ vào thiên nhiên, có mưa thì làm, không mưa thì đành chịu… Trước tình trạng đó, người dân trong thôn đã nghĩ ra cách dùng nước ngầm để phục vụ sản xuất. Ban đầu, người ta đào giếng giữa các cánh đồng, tuy nhiên cách này không khả quan vì vừa tốn diện tích, công sức mà có khi đào sâu không có nước thì coi như công cốc. Vì thế người dân đã tìm đến giếng khoan. Đây là cách làm khá hiệu quả, giếng khoan vừa không chiếm nhiều diện tích mà tỷ lệ có nước lại cao. Theo bước chân một số người dân thôn Co Cam, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những công trình tuy nhỏ mà hiệu quả lớn này. Quả đúng như vậy, những giếng khoan nằm gọn giữa lòng bờ ruộng, trên miệng giếng có xây ô nhỏ để tiện đặt máy bơm, ống dẫn, cạnh đó là một cột gỗ để kéo điện đến, khi cần, chỉ việc lắp máy bơm, cắm điện là nước lên xối xả. Theo chính quyền xã Hòa Cư, thôn Co Cam được coi là khó khăn nhất về thủy lợi ở địa bàn xã nhưng nay nhờ những sáng tạo của người dân địa phương, vấn đề này đã được khắc phục. Cũng như Co Cam, các thôn khác như Chè Lân hay Bản Lành cũng áp dụng cách làm này. Từ khi có giếng khoan, người dân đã yên tâm hơn trong lao động, sản xuất.
Cùng với hệ thống các giếng khoan, người dân ở xã Hòa Cư còn đào ao cạnh các thửa ruộng để tích nước, khi cần là đáp ứng nước ngay tại chỗ. Bên cạnh việc phục vụ tưới, tiêu nước cho cây trồng thì người dân còn tận dụng nó để nuôi vịt. Cách làm này phổ biến ở cánh đồng Khôn Van, thôn Bản Luận và những nơi có địa hình bậc thang. Ông Mông Văn Đàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Cư cho biết: cách đào ao và làm giếng khoan cạnh thửa ruộng đảm bảo nguồn nước cho cây trồng được nhiều hộ dân địa phương áp dụng cách đây 4 năm. Hiệu quả từ cách làm này cho thấy, việc thâm canh tăng vụ cũng như sản lượng lương thực nhiều năm qua trên địa bàn được tăng lên rõ rệt. Nếu như trước đây, người nông dân trên địa bàn chủ yếu sản xuất được 1 vụ/năm thì nay đã tăng lên 2 vụ/năm. Ngoài ra, hàng năm, sau các vụ lúa, ngô, người dân địa phương còn trồng thêm hoa màu khác như rau, khoai tây… Sự chủ động về tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp đã giúp đời sống người dân nơi đây ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo đó được giảm đáng kể, ví như năm 2010, tỷ lệ này chiếm khoảng 15% thì sang năm 2011 chỉ còn gần 12%.
Theo nhiều người dân xã Hòa Cư, chi phí cho mỗi giếng khoan khoảng 10 triệu đồng (gồm công khoan, ống hút và bơm). Một công trình tiện ích cho nhà nông như vậy thì giá đó tính ra không cao. Còn ao thì chính là cải biến từ ruộng (khoảng nửa sào), người dân đào sâu xuống rồi đắp bờ cao lên để tích nước, khi cần chỉ việc xả xuống. Chúng tôi đã từng đến nhiều địa phương, chứng kiến nhiều trà lúa non héo úa, những bông lúa khẳng khiu vì nắng hạn. Ở đó, người ta cũng cố gắng khắc phục bằng nhiều cách khác nhau nhưng chưa thấy địa phương nào có giải pháp sáng tạo mà hiệu quả như ở xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc. Có thể nói, cách đảm bảo nước cho cây trồng nơi đây rất cần nhân rộng…
Hoàng Huấn
Ý kiến ()