Đảm bảo mùa lễ hội xuân an toàn, văn minh
– Sau 3 năm tạm dừng tổ chức các hoạt động lễ hội do đại dịch COVID-19, bước sang năm Quý Mão 2023, trong không khí phấn khởi chào đón năm mới, hàng loạt lễ hội trên địa bàn tỉnh đã và đang được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi. Để đảm bảo các lễ hội xuân diễn ra an toàn, văn minh, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có những phương án chuẩn bị tốt nhất.
Theo kết quả kiểm kê, rà soát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh (VHTT&DL), toàn tỉnh hiện có 280 lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân. Ở thời điểm này, nhiều địa bàn trong tỉnh đã và đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa và thu hút đông đảo người dân, du khách.
Lực lượng chức năng hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại chùa Tân Thanh
Một trong những lễ hội tổ chức sớm và thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân và du khách là lễ hội chùa Tân Thanh, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng (9 tháng Giêng). Theo thông tin từ ban tổ chức lễ hội, năm nay, lễ hội đã thu hút trên 10.000 lượt du khách đến tham quan, trẩy hội.
Ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Trên địa bàn huyện có 32 lễ hội đều diễn ra trong tháng Giêng. Từ đầu năm Quý Mão đến nay, trên địa bàn đã tổ chức một số lễ hội, trong đó, tiêu biểu là Lễ hội điểm chùa Tân Thanh gắn với sự kiện công bố Chùa Tân Thanh là điểm du lịch của tỉnh. Lượng khách về dự hội năm nay rất đông, vì thế để đảm bảo cho các hoạt động lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Những hạn chế của các mùa hội trước cũng được quan tâm khắc phục trong dịp này. Ban tổ chức lễ hội đã cho dẹp toàn bộ hàng quán trước khu vực cổng vào để tạo sự thông thoáng, quy hoạch bãi đỗ xe và tăng cường pano quảng bá, tuyên truyền về lễ hội…
Cùng với huyện Văn Lãng, thành phố Lạng Sơn cũng tích cực chuẩn bị cho 7 lễ hội đầu xuân. Cụ thể, UBND thành phố Lạng Sơn đã thành lập ban tổ chức các hoạt động mừng đảng mừng xuân, các hoạt động văn hóa du lịch và lễ hội truyền thống; chỉ đạo các phường, xã thành lập các ban tổ chức lễ hội, đồng thời, phối hợp tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đặc biệt, các lễ hội xuân năm nay sẽ tổ chức gắn kết với hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và sản phẩm đặc trưng địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố; Hội thi “Hương sắc ẩm thực Xứ Lạng” thành phố Lạng Sơn mở rộng lần thứ V – Xuân Quý Mão 2023. Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, sẵn sàng đón tiếp du khách về trẩy hội.
Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn lễ hội tại Chùa Tân Thanh
Không riêng Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn mà hiện nay các huyện khác trong tỉnh đều chuẩn bị sẵn sàng các phương án cho mùa lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi. Quy mô các lễ hội được mở rộng, nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc được lưu giữ, phát huy. Những địa bàn có nhiều lễ hội lớn đã xây dựng kịch bản cụ thể để mùa lễ hội năm nay diễn ra an toàn, văn minh. Trung bình, mỗi lễ hội có kinh phí tổ chức từ 30 đến 400 triệu đồng với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Năm nay, các lễ hội được tổ chức trở lại với quy mô lớn, dự báo số lượng du khách tăng cao, đây vừa là niềm vui nhưng cũng là thách thức với công tác quản lý. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể, gửi công văn đến UBND các huyện, thành phố để phối hợp chỉ đạo, triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội và các hoạt động mừng Đảng mừng Xuân Quý Mão với quy mô, hình thức thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm.
Theo đó, UBND các huyện đã quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo lễ hội trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quán triệt thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cũng như ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin…
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch trên địa bàn vào thời điểm lễ hội; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho người tham gia lễ hội; tổ chức các phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Cũng ngay sau Tết Nguyên đán Quý mão, Sở VHTT&DL tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại di tích chùa Tân Thanh (huyện Văn Lãng) và đền Mẫu Đồng Đăng (huyện Cao Lộc). Đoàn đã kiểm tra và nắm bắt tình hình về việc thực hiện công tác tuyên truyền, quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác, bảo vệ các giá trị di tích lịch sử văn hóa tại địa phương; việc thực hiện quản lý di tích theo quy định của Luật Di sản; việc xây dựng kế hoạch về công tác quản lý, chuẩn bị tổ chức lễ hội năm 2023… Theo kế hoạch, trong tháng Giêng, đoàn tiếp tục tiến hành thanh, kiểm tra tại một số di tích tiêu biểu gắn với lễ hội điểm của các huyện, thành phố.
Cùng với đó, ban quản lý các di tích nơi diễn ra lễ hội đã chủ động phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng để chuẩn bị các nội dung, hoạt động phù hợp; tăng cường tuyên truyền, nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan, vi phạm pháp luật trong khu vực diễn ra lễ hội như: chen lấn, tranh cướp, cờ bạc, ăn mày, ăn xin…
Ông Đặng Văn Giang, Phó Trưởng Ban quản lý Chùa Bắc Nga (xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) cho biết: Chùa Bắc Nga là một trong những điểm diễn ra lễ hội mùa xuân, thu hút đông đảo du khách thập phương. Do đó, ngay từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão, chúng tôi đã tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động và đảm bảo an toàn lễ hội. Theo kế hoạch, lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ tối 14 đến hết ngày 15 tháng Giêng với nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ đặc sắc và các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, lạy cỏ, nhảy bao, múa sư tử mèo. Để đảm bảo an toàn cho lễ hội, UBND huyện, xã đã phối hợp huy động lực lượng hỗ trợ tổng 100 người gồm: cán bộ, công chức xã và các phòng, ban của huyện, công an huyện, công an xã, dân quân tự vệ… Ban quản lý đền đã trang bị 12 bình bột chữa cháy, bể nước dung tích 16 m3, 1 téc nước 5 m3 và kiện toàn lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.
Với sự nỗ lực, chủ động của các cấp, ngành, ban quản lý, khánh tiết các di tích, tin tưởng và hy vọng rằng, năm nay Xứ Lạng có một mùa lễ hội xuân tươi vui, an toàn, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách thập phương.
NGỌC HIẾU - TUYẾT MAI
Ý kiến ()