Đảm bảo không thiếu hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu
Chỉ còn ít tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa càng trở nên cấp thiết. Để không thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, các địa phương đã lên kế hoạch cân đối cung-cầu, kết nối giao thương, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng với mức giá bình ổn.
Thông tin về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà NộiTrần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp cung ứng lớn đã dự trữ hàng hóa từ khá sớm, đồng thời chủ động nguồn cung sẵn sàng bổ sung, đưa hàng về Hà Nội khi nhu cầu tăng đột biến. Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày. Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Tập đoàn Central Retail (quản lý hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (quản lý hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart, BRG Mart…), Co.opmart… đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% đến 500% so với bình thường.
Thông tin thêm về việc chuẩn bị hàng Tết, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, thành phố đã lập các tổ nắm bắt thông tin thị trường hàng hóa, tổ điều phối hàng hóa; chủ động ký kết với các đơn vị phân phối để bảo đảm nhu cầu hàng hóa cho nhân dân; hỗ trợ cung cấp danh sách 2.156 địa điểm giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ và bán lưu động khi cần thiết… Đồng thời, Hà Nội duy trì thường xuyên hoạt động của hệ thống thương mại gồm 142 siêu thị, 27 trung tâm thương mại, 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ và 11.382 trang web, sàn thương mại điện tử…
Trong bối cảnh dịch COVID-19, Hà Nội đã triển khai sớm kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu. Theo đó, thành phố đẩy mạnh đa dạng hóa mạng lưới phân phối, bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi nhất; tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở sản xuất, phân phối tham gia chương trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; mở rộng nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh… Các nhóm hàng trong chương trình bình ổn thị trường gồm: Lương thực; thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến; rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị, sữa; nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát…
Đồng Naicũng đã chủ động nguồn hàng hóa bình ổn giá. Chương trình bình ổn giá tỉnh Đồng Nai sẽ triển khai đối với 12 mặt hàng: gạo, mì gói, thực phẩm chế biến đóng hộp (từ thịt heo, gà, bò, cá), thịt gà, thịt heo, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, gia vị (bột ngọt, bột nêm), nước chấm (nước tương, nước mắm), sách giáo khoa, vở học sinh.
Riêng đối với chương trình bình ổn giá vào dịp Tết Nguyên đán 2021, các hợp tác xã tham gia bán hàng lưu động phải kinh doanh mặt hàng phù hợp với danh mục 10 nhóm/mặt hàng nói trên (trừ sách giáo khoa và vở học sinh).
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đối với các địa phương có các xã xa trung tâm huyện cần bình ổn thị trường, tỉnh dự kiến giao nguồn vốn về UBND các huyện, thành phố theo nhu cầu đăng ký của địa phương với nguồn vốn hỗ trợ 7 tỷ đồng để thẩm định cho các đơn vị tham gia vay vốn thực hiện chương trình bình ổn giá. Ngoài ra, sẽ vận động các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia bình ổn giá nhưng không vay vốn.
Hiện nay, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch về nguồn hàng, số lượng điểm bán hàng bình ổn giá, các chuyến hàng phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa…
Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu, đảm bảo nguồn cung vào những tháng cuối năm nay và dịp Tết Nguyên đán 2021, cũng như chủ động các phương án dự trữ hàng hóa nhằm tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá…
Thành phố Vũng Tàucũng đã đưa ra 4 giải pháp để góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Thứ nhất, Thành phố yêu cầu các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng kế hoạch để cân đối chuẩn bị đầy đủ các nguồn hàng nhằm phục vụ tốt cho mọi đối tượng tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hàng trong dịp Tết Nguyên đán vì năm nay, số ngày nghỉ Tết tương đối dài và do dịch COVID-19 lượng khách du lịch trong nước sẽ tăng mạnh.
Thứ hai, Thành phố vận động và khuyến khích các doanh nghiệp, hộ cá thể chủ động xây dựng kế hoạch và dự báo nhu cầu tiêu thụ để cung cấp đủ, kịp thời hàng hóa.
Thứ ba, Thành phố triển khai tổ chức Hội Hoa Xuân, Chợ hoa cây cảnh và các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí lành mạnh; phối hợp tổ chức chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, “ Tết cho công nhân” để tăng sức mua cho thị trường Tết.
Thứ tư, kiểm tra ngăn chặn việc đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm tra các địa điểm kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ, chợ, siêu thị, các địa điểm tập trung và phát luồng hàng hóa trên địa bàn trong việc tuân thủ các quy định về niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tồn trữ hàng nhập lậu, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa quá hạn sử dụng, các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ý kiến ()