Đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp
LSO-Công ty Điện lực Lạng Sơn đang quản lý, vận hành 2.600 km đường dây cao áp (gồm đường dây 10 KV, 22 KV, 35 KV). Để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp (LĐCA), đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho khách hàng, thời gian qua công ty chú trọng các giải pháp.
Nhân viên Điện lực Lộc Bình cắt bỏ cây nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp |
Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 sự cố trên đường dây cao áp do giông bão làm cây đổ vào đường dây, người dân chặt cây không đảm bảo an toàn. Tuy không có thiệt hại về người, nhưng các sự cố cũng đã gây mất điện cục bộ tại một số khu vực.
Thực tế này cho thấy tình trạng vi phạm hành lang LĐCA vẫn còn. Các vi phạm chủ yếu là vi phạm về khoảng cách an toàn, như: trồng cây trong khu vực hành lang lưới điện, xây dựng các công trình hoặc các phần của công trình quá gần đường dây. Theo thống kê của Công ty Điện lực Lạng Sơn, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 26 điểm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn LĐCA với 256,32 km đường dây nằm trong khu vực có cây ngoài hành lang lưới điện. Điều này có thể dẫn đến hậu quả khôn lường khi xảy ra sự cố lưới điện, làm mất điện cấp cho khách hàng,… Đặc biệt nghiêm trọng nếu sự cố xảy ra đối với lưới điện 110kV, vì phạm vi mất điện rất lớn làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội cũng như sản xuất kinh doanh trên toàn địa bàn.
Theo quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, đối với đường dây dẫn điện có điện áp đến 35 kV trong thành phố, thị xã, thị trấn, thì khoảng cách từ điểm bất kỳ của cây đến dây dẫn điện ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 0,7 m đối với dây bọc, 1,5 m đối với dây trần. Đối với đường dây ngoài thành phố, thị xã, thị trấn thì khoảng cách từ điểm cao nhất của cây theo chiều thẳng đứng đến độ cao của dây dẫn thấp nhất khi đang ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 0,7 m đối với dây bọc và từ 2 m trở lên đối với dây trần. Đối với những cây có khả năng vi phạm khoảng cách đã quy định và không còn hiệu quả kinh tế thì phải chặt bỏ và cấm trồng mới. Đối với nhà ở, các công trình xây dựng, quy định yêu cầu khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn 3 m đối với điện áp từ 35 kV trở xuống.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc công ty cho biết: Thời gian qua, những sự cố xảy ra trên LĐCA, bằng các nguồn vốn của ngành, công ty đã sửa chữa, cải tạo đường dây đảm bảo quy định. Để đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn LĐCA, công ty đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, phường, thị trấn, tuyên truyền, phát tờ rơi, thực hiện ký cam kết với người dân không vi phạm an toàn hành lang LĐCA. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn ngừa hành vi vi phạm hành lang an toàn LĐCA; đôn đốc, tổ chức khảo sát, xây dựng các kế hoạch, lập phương án cải tạo lưới điện nhằm giảm thiểu số vụ vi phạm hành lang LĐCA.
Được tuyên truyền, phổ biến, nhiều hộ dân có diện tích cây nằm trong hành lang LĐCA đã tự giác chặt bỏ cây. Bà Lô Thị Lựu, thôn Khòn Sè, xã Sàn Viên (Lộc Bình) cho biết: Gia đình tôi có hơn 2 ha thông, diện tích rừng có đường điện cao áp bắc qua. Được tuyên truyền các quy định về an toàn điện, cùng với nhận thức về sự nguy hiểm nếu cây ở quá gần đường điện, trong tháng 6/2017 tôi đã cùng với nhân viên Điện lực Lộc Bình cắt, phát những cây có nguy cơ đổ gẫy vào đường dây.
Với sự cố gắng của Công ty Điện lực Lạng Sơn, cùng với sự đồng thuận của người dân, tính đến hết tháng 7/2017, số điểm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn LĐCA giảm còn 15 điểm (năm 2016 có 26 điểm vi phạm). Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Lạng Sơn, phấn đấu hết năm 2017, sẽ khắc phục 8 điểm mất an toàn nữa, theo đó chỉ còn 7 điểm, đường dây có cây ngoài hành lang giảm từ 256,32 km xuống còn 128,12 km.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()