Đảm bảo đúng lộ trình
LSO-Thời gian qua, số người đến bộ phận “một cửa” Sở Giao thông Vận tải (GTVT) để làm thủ tục chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ vật liệu bìa giấy sang thẻ nhựa (vật liệu PET) tăng đột biến. Sở Giao thông Vận tải triển khai nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời đảm bảo tiến độ chuyển đổi GPLX theo lộ trình đề ra.
Người dân làm thủ tục chuyển đổi giấy phép lái xe tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Giao thông Vận tải |
Theo Thông tư 58, ngày 20/10/2015 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, toàn bộ GPLX mô tô các hạng (A1, A2, A3) phải hoàn thành chuyển đổi từ giấy bìa sang vật liệu PET trước ngày 31/12/2020. Riêng đối với GPLX ô tô và GPLX hạng A4, hạn chót để chuyển đổi là ngày 31/12/2016.
Ước tính của Sở GTVT, theo lộ trình này, toàn tỉnh có hơn 20.000 GPLX ô tô và GPLX A4 cần chuyển đổi, cùng với đó là khoảng 120.000 – 150.000 GPLX mô tô. Đến hết tháng 10/2016, Lạng Sơn đã chuyển đổi 19.000 GPLX ô tô và GPLX hạng A4; số còn lại do lái xe đã quá tuổi không có nhu cầu sử dụng, hoặc người dân thực hiện chuyển đổi ở địa phương khác nên việc chuyển đổi GPLX ô tô và GPLX hạng A4 đã hoàn thành trước hạn. Cùng với đó, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 20.000 GPLX mô tô đã được chuyển đổi sang vật liệu PET. Đáng chú ý là riêng 10 tháng đầu năm 2016, số trường hợp chuyển đổi GPLX mô tô là gần 15.700 trường hợp, gấp 3,7 lần so với cả năm 2015. Sở dĩ có sự tăng đột biến là do thời gian qua, người dân nghe thông tin về lộ trình chuyển đổi GPLX nên ồ ạt đăng ký chuyển đổi.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, một mặt Sở GTVT chú trọng tuyên truyền về lộ trình chuyển đổi GPLX qua phương tiện thông tin đại chúng, gửi văn bản thông báo đến các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn…. mặt khác tăng cường nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính trong chuyển đổi GPLX. Đặc biệt từ tháng 5/2016, sở phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại GPLX qua bưu điện để tạo thuận lợi cho nhân dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT cho biết: Với bước cải cách trên, người dân có nhu cầu chuyển đổi GPLX có thể đến trực tiếp làm thủ tục tại sở hoặc thực hiện thông qua bưu điện, tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại. Trung bình mỗi ngày, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của sở tiếp nhận khoảng 100 -150 hồ sơ cấp, đổi GPLX, cùng với đó là khoảng 100-150 hồ sơ qua bưu điện. Để đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi GPLX của người dân, sở đã tăng cường nhân lực thực hiện công tác này. Cụ thể là tại bộ phận “một cửa” có 4 cán bộ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trong phòng có 3 cán bộ đảm nhận việc in GPLX; đồng thời thực hiện làm thêm ngày thứ 7, thậm chí cả Chủ nhật để giải quyết hồ sơ chuyển đổi GPLX.
Theo quy định, thời hạn trả kết quả cấp, đổi GPLX là sau 5 ngày làm việc, song tại Sở GTVT Lạng Sơn, đã rút ngắn xuống còn 4 ngày, điều này góp phần tăng hiệu quả chuyển đổi GPLX. Anh Trần Hồng Đăng, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Đến Sở GTVT để chuyển đổi GPLX sang vật liệu PET, tôi được cán bộ “một cửa” hướng dẫn tận tình để làm thủ tục, chỉ sau 4 ngày, tôi nhận được GPLX thẻ nhựa. Thời gian rút ngắn, thủ tục đơn giản thì càng giải quyết được cho nhiều người.
Mặc dù Lạng Sơn đã hoàn thành chuyển đổi GPLX ô tô và GPLX hạng A4 trước thời hạn song đối với GPLX mô tô, hiện vẫn còn một số lượng khá lớn. Theo Thông tư 58, sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, người có GPLX bằng bìa giấy sẽ phải sát hạch lý thuyết để được cấp lại GPLX. Nhằm đảm bảo tiến độ đề ra, Sở GTVT đã xây dựng lộ trình chuyển đổi theo từng năm (từ 2016 đến 2020). Tuy nhiên cùng với nỗ lực của ngành GTVT rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị… trong tuyên truyền để người dân biết và thực hiện chuyển đổi GPLX theo lộ trình.
VY THÚY HƯỜNG
Ý kiến ()