Đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp tết
– Nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân và ứng phó với dịch COVID-19, các doanh nghiệp phân phối cũng như các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng đã chủ động dự trữ nguồn hàng và ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến trên địa bàn.
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao. Theo dự báo của ngành công thương tỉnh, năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 thế nhưng nhu cầu mua sắm của người dân vẫn sẽ tăng từ 15% đến 20% so với những tháng thường trong năm. Do vậy, từ đầu tháng 10/2021, các đơn vị cung ứng hàng hóa đã chủ động nhập hàng sớm.
Đa dạng hàng hoá được bày bán tại siêu thị Bình Cam, thành phố Lạng Sơn. Ảnh: YÊN SƠN
Là một doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng lớn trong tỉnh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú, thành phố Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch, chủ động dự trữ lượng hàng hóa lớn trong kho, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ông Trần Thế Kiên, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết: Nhằm đảm bảo lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cung cấp cho thị trường tết trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty đã chủ động phương án tài chính tích trữ hàng hóa tại kho với tổng giá trị từ 25 đến 30 tỷ đồng (tăng 10 đến 15% so với những tháng thường trong năm). Các mặt hàng dự trữ chủ yếu phục vụ nhu cầu dịp tết như: bánh kẹo, dầu ăn, nước ngọt, gạo. Với mạng lưới phân phối gần 2.000 cửa hàng, đại lý tại 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh, chúng tôi sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho bà con.
Còn tại siêu thị WinMart, thành phố Lạng Sơn, lượng hàng hóa phục vụ dịp tết được đa dạng hóa về cả mẫu mã, thương hiệu đến giá thành. Ông Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc siêu thị cho biết: Để đảm bảo cung ứng đầy đủ và đa dạng hàng hóa tết với tiêu chí “tươi ngon thượng hạng”, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung ứng hàng hóa lớn ngay từ tháng 9/2021, chốt sản lượng cho các mặt hàng chủ lực. Lượng hàng hóa được WinMart Lạng Sơn chuẩn bị tăng từ 40 đến 50% so với những ngày thường trong năm với giá trị hàng phục vụ tết khoảng 13 tỷ đồng, trong đó, tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, nhóm hàng tươi sống. Thời điểm này, người dân đã mua sắm nhộn nhịp hơn, với lượng khách mua sắm tại siêu thị hơn 600 lượt mỗi ngày. Dù lượng khách đã tăng khá nhưng vẫn còn thấp hơn so với thông lệ các năm trước. Chúng tôi sẽ phân bổ hàng hóa, đảm bảo lượng hàng hóa đưa ra luôn đầy ắp kệ, giá cả ổn định để người tiêu dùng thoải mái mua sắm.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp cung ứng hàng hóa lớn, hơn 20.000 cửa hàng bán lẻ đang hoạt động. Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Sở Công Thương đã khảo sát khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị phân phối lớn trên địa bàn. Thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối cũng như cửa hàng bán lẻ đã hoàn thành kế hoạch dự trữ nguồn hàng, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong dịp tết. Theo đó, lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ tăng từ 15 đến 20% so với ngày thường. Trong đó, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sản xuất trong nước (chiếm trên 90%).
Người dân mua sắm tại siêu thị WinMart, thành phố Lạng Sơn
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Ngành công thương tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để kích thích sản xuất nội địa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp với cung ứng hàng bình ổn thị trường dịp tết. Cùng với đó, có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phân phối lớn đẩy mạnh các chuyến bán hàng về nông thôn, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân. Sở cũng thường xuyên theo dõi tình hình giá cả thị trường, thành lập tổ công tác kiểm tra, khảo sát thị trường, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, khan hiếm hàng hàng hóa hay tăng giá đột biến.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương, thời điểm giữa tháng 1/2022, hàng hóa phục vụ bà con dịp tết dồi dào, đa dạng mặt hàng và sức mua của người dân bắt đầu tăng nhẹ. Hiện nay, giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: giá dầu ăn tăng 30%, nước giải khát tăng 5% đến 10%, bánh kẹo tăng 5%…
Thời gian tới, để đảm bảo cho người dân mua sắm an toàn, thuận lợi cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, nắm bắt tình hình giá cả thị trường. Đồng thời đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trong mọi tình huống dịch, thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường sau trong và sau tết
CẨM HÀ
Ý kiến ()