Đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non ở vùng khó
– Xác định chế độ dinh dưỡng cho trẻ mầm non có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất và trí tuệ, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, nhất là những đơn vị trường tại vùng khó khăn đã và đang thực hiện giải pháp để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Năm học 2022 – 2021, cả tỉnh có 323 trường mầm non (trong đó có 88 trường mầm non ở vùng khó khăn) với hơn 55.000 trẻ, tỉ lệ trẻ ăn bán trú đạt 100%. Thời gian qua, ngành GD&ĐT đã quán triệt các trường mầm non trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn dinh dưỡng cho trẻ theo quy định, không sử dụng phần mềm xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn cho trẻ mà chưa được thẩm định. Để bảo đảm an toàn cho học sinh nói chung và trẻ mầm non nói riêng khi ăn bán trú tại trường, đặc biệt là trẻ mầm non vùng khó khăn, những năm gần đây, ngành GD&ĐT chú trong phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động của các bếp ăn bán trú; sở yêu cầu các đơn vị trường mầm non thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến…
Bữa ăn trưa của các em học sinh Trường Mầm non xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan
Thực hiện yêu cầu của Sở GD&ĐT, những năm qua, các trường mầm non vùng khó đã chủ động hợp đồng với các đại lý, các hộ dân cung cấp thực phẩm trên địa bàn, bảo đảm cung cấp ổn định nguồn thực phẩm tươi sống, hợp đồng rau an toàn với cơ sở có uy tín, yêu cầu rau lấy tại địa phương để giảm giá thành và có thực phẩm sạch cho bữa ăn của trẻ. Ngoài ra, các trường tự tính khẩu phần ăn của trẻ, từ đó cân đối và tự đưa ra mức đóng tiền ăn cho trẻ sao cho phù hợp với tình hình kinh tế ở địa bàn.
Cô Cung Thị Niệm, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định cho biết: Hiện trường có 74 học sinh với 3 lớp học, hầu hết học sinh tại trường là người dân tộc Tày, Nùng, Dao… đời sống còn nhiều khó khăn. Hiện tại, 100% phụ huynh đồng ý cho trẻ ăn bán trú tại trường, thực hiện mức đóng tiền ăn là 18.000 đồng/ngày/học sinh. Với mức tiền ăn cho trẻ như trên, chúng tôi cố gắng thường xuyên thay đổi thực đơn theo ngày, theo mùa… Các bữa ăn luôn đảm bảo 4 nhóm thực phẩm (chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng) với tỷ lệ cân đối và hợp lý. Không chỉ vậy, với mức hỗ trợ 25% cho học sinh bình thường, 50% cho học sinh cận nghèo, 75% cho học sinh nghèo từ các chương trình “sữa học đường”, nhà trường đảm bảo các em học sinh được uống 1 cốc sữa vào mỗi buổi sáng…
Ngoài ra, những năm gần đây, các trường mầm non ở vùng khó khăn còn tích cực phát triển mô hình “Vườn rau của bé” do các cô giáo trồng để đảm bảo lượng rau sạch cho trẻ nhằm tận dụng khai thác nguồn thực phẩm tại chỗ đảm bảo an toàn vệ sinh. Các trường còn bố trí bếp nấu ăn có quy trình chế biến theo nguyên tắc 1 chiều; phối hợp với trạm y tế xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm…
Cô Vũ Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan cho biết: Năm học 2022 – 2023, trường có 151 học sinh với 7 lớp học, trong đó số học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn chiếm 60% tổng số học sinh toàn trường. Để đảm bảo bữa ăn đủ chất cho trẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chúng tôi yêu cầu 100% nhân viên nấu ăn đều có chứng chỉ nghề, khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, để giúp trẻ ăn ngon miệng, hết suất, đủ chất và đủ lượng, chúng tôi đã yêu cầu các nhân viên nấu ăn cải tiến cách chế biến như: cắt tỉa những hình, cánh hoa từ cà rốt, khoai tây, su hào, bí đỏ…
Theo thông tin của Phòng Giáo dục Tiểu học – Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT, với những cách làm trên, chất lượng bữa ăn của trẻ mầm non vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh ngày càng được đảm bảo, các chỉ số dinh dưỡng của mỗi đơn vị trường tăng từ 1 đến 3% so với 4 năm học trước, không ghi nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm từ các trường mầm non; 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và theo dõi sự phát triển qua biểu đồ tăng trưởng.
Qua tìm hiểu tại một số trường vùng 3 trên địa bàn tỉnh như: Trường Mầm non Đào Viên, Đoàn Kết (Tràng Định); Hội Hoan, Gia Miễn (Văn Lãng); Đồng Giáp, Khánh Khê (Văn Quan)… cho thấy, kết quả cuối năm học 2021 – 2022: trẻ có cân nặng phát triển bình thường luôn đạt trên 98%, tăng từ 1 đến 3% so với năm học 2017 – 2018, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 1 đến 2% so với năm học 2017 – 2018; trẻ có chiều cao phát triển bình thường đạt trên 98%, tăng 1 đến 3% so với năm học 2017 – 2018; trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 1 đến 3% so với năm học 2017 – 2018. |
Ý kiến ()