Đảm bảo các hoạt động nuôi dạy
Chăm sóc bữa ăn cho học sinh lớp 1 Trường Phổ thông DTBT xã Bác Ái (Tràng Định) |
THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Việc thực hiện chuyển đổi các trường phổ thông sang loại hình phổ thông DTBT đã theo đúng các tiêu chí quy định tại Thông tư số 24/2010, ngày 2/8/2010 của Bộ GD&ĐT, vì vậy việc đảm bảo các chế độ cho cán bộ, giáo viên và học sinh loại hình này luôn có sự thuận lợi. Đến cuối học kỳ I năm học 2014-2015, trong số 11.652 học sinh của 86 trường bán trú, đã có 8.574 học sinh được ở bán trú (tỷ lệ 73,6%); có 79 trường tổ chức nấu ăn cho học sinh. Toàn tỉnh có 11.829 học sinh loại hình bán trú được hỗ trợ tiền ăn theo Quyết định 85/2010 của Thủ tướng Chính phủ với mức 40% mức lương tối thiểu; trên 20.100 học sinh phổ thông được hỗ trợ gạo theo Quyết định số 36/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Với số tiền hỗ trợ tủ thuốc nhà trường, hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể thao, các nhà trường đã cơ bản đáp ứng được điều kiện nuôi dạy và tổ chức sinh hoạt cho học sinh.
Thầy giáo Trần Đức Bình, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT cấp THCS xã Thái Bình (Đình Lập) cho biết: học sinh được cung cấp tiền ăn với mức 460 ngàn đồng/ tháng, được hỗ trợ 15 kg gạo là ở bán trú trong trường, được tham gia các hoạt động ngoài giờ; thầy cô giáo được hưởng phụ cấp đặc thù trường chuyên biệt, nhân viên được ký hợp đồng ổn định với mức tiền công khá, lại được hưởng phụ cấp khu vực… Vì vậy, học sinh không chán học, cán bộ nhân viên phấn khởi trong công tác, chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến căn bản.
HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC
Là huyện có tới 32 trường phổ thông DTBT, huyện Bình Gia đã rất nỗ lực trong huy động các nguồn lực tập trung để giải quyết vấn đề ăn, ở cho học sinh bán trú. Đồng chí Nguyễn Kim Thoa, phụ trách Phòng GD&ĐT huyện cho biết: ngoài việc thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với học sinh và cán bộ giáo viên, từ năm học 2011-2012 đến nay, huyện đã huy động được trên 4 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa, nhiều nguyên vật liệu xây dựng và hiện vật để giúp các trường bán trú ổn định nơi ăn ở, nâng cao chất lượng dạy và học. Thầy giáo Bạch Ngọc Tĩnh, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT cấp THCS xã Thiện Long ( Bình Gia) nói rằng: do được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa, nhà trường đã có những phòng ở đạt tiêu chuẩn, rộng rãi, sạch sẽ, tạo điều kiện tốt cho công tác dạy chữ, rèn người của nhà trường.
Báo cáo của Sở GD&ĐT cho thấy, sau 3 năm thực hiện chuyển đổi loại hình, vượt qua những khó khăn ban đầu, các trường phổ thông DTBT đã có những chuyển biến căn bản về cảnh quan môi trường, tạo điều kiện nâng cao chất lượng ở loại hình chuyên biệt này.
CÒN ĐÓ NHỮNG BẤT CẬP
Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc cấp tiền ăn cho học sinh không kịp thời, dẫn đến tình trạng công nợ kéo dài trong việc cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể các trường bán trú. Thầy giáo Tô Văn Đức, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) cho biết: do tiền ăn của học sinh được cấp theo học kỳ nên tình trạng nợ tiền mua thực phẩm thường kéo dài 3-4 tháng. Đối với nhà cung cấp có tiềm lực kinh tế thì họ cho nợ, còn những người ít vốn thì chính hiệu trưởng phải bỏ tiền lương ra tạm ứng. Tình trạng nợ nần kéo dài khiến nhà trường không có điều kiện lựa chọn thực phẩm tốt và thay đổi món ăn cho học sinh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hiền Nam, Trưởng Phòng Kế toán- Tài chính, Sở GD&ĐT cho biết: tiền ăn cho học sinh đã được tỉnh phân bổ về huyện và các huyện đã thực hiện cấp đủ theo phương thức 2 lần/ năm học. Ông cũng cho rằng việc cấp như vậy là đúng theo quy định, song ít nhiều cũng gây khó khăn cho các nhà trường vì không đảm bảo tiền mặt kịp thời để các đơn vị mua thực phẩm cung cấp cho bữa ăn của học sinh. Thiết nghĩ, các huyện cần thực hiện theo phương thức tạm ứng theo tháng và quyết toán theo học kỳ để tạo điều kiện tốt hơn cho các trường bán trú trong việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng học sinh.
Ý kiến ()