Đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh
(LSO) – Trước tình trạng giá thực phẩm, nhất là thịt lợn tăng cao trong những tháng gần đây, các trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh đã linh hoạt thay đổi thực đơn, tìm các thực phẩm thay thế mà vẫn đáp ứng các yêu cầu dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh nhà trường.
Thịt lợn lâu nay vốn là nguồn thực phẩm chính trong khẩu phần ăn hằng ngày của phần lớn các bếp ăn bán trú trong nhà trường của học sinh, một phần do giá cả phải chăng, một phần do có thể chế biến được thành nhiều món khác nhau và phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Tuy nhiên, từ tháng 9/2019 đến nay, giá lợn hơi trên thị trường liên tục tăng từ 40.000 đồng/kg đến nay lên 75.000 đồng/kg; thịt lợn móc hàm từ 65.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg và đến thời điểm này trung bình là 150.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng cao đồng nghĩa với chi phí cho bữa ăn tăng, nhưng định suất chi phí cho khẩu phần ăn tại một số bếp ăn bán trú không thay đổi, chính vì vậy, việc chế biến rất khó khăn, nhất là khâu lựa chọn thực phẩm thay thế mà vẫn bảo đảm chi phí và chế độ dinh dưỡng.
Giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia khẩu phần ăn trưa cho học sinh khối lớp 1
Cô Vũ Thị Quyên, Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thực tế để lên thực đơn, tổ nhà bếp cùng ban giám hiệu nhà trường phải họp bàn, cân đo đong đếm, những thời điểm rau, thịt rẻ thì dễ quyết, nhưng gặp đúng lúc tăng giá như hiện nay thì rất khó xử, bởi nếu không định lượng cẩn thận, thức ăn nấu lên sẽ hao hụt. Để duy trì chất lượng bữa ăn cho các em, nhà trường đã bố trí các thực phẩm khác để thay thế như: thịt gà, thịt bò, trứng, cá… cùng các loại rau củ, đảm bảo đa dạng thực phẩm và đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng cho các em học tập.
Thực tế khảo sát các bếp ăn bán trú trong nhà trường cấp tiểu học tại khu vực thành phố Lạng Sơn, định mức bữa ăn/ngày được các nhà trường xây dựng mức thu từ đầu năm học trung bình là 15.000 – 18.000 đồng/học sinh. Với định mức tiền ăn này, các trường đã tính toán đủ về khẩu phần và giá trị dinh dưỡng cho các em. Tuy nhiên, khi giá cả thực phẩm tăng, chi phí mua thực phẩm và việc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn của các em phải được tính toán lại. Sau khi có sự điều chỉnh, các trường công khai bảng kê nguồn thực phẩm hằng ngày tại bảng thông tin của nhà trường để phụ huynh nắm bắt, yên tâm về chất lượng bữa ăn của con mình.
Đối với khu vực miền núi, vùng cao thì bữa ăn thời “bão giá” thịt lợn càng trở nên khó khăn hơn, nhất là ở các trường phổ thông dân tộc bán trú, bởi mặc dù thực phẩm tăng giá, nhưng định suất cấp hằng tháng cho học sinh được Nhà nước quy định từ đầu năm học. Theo đó, mỗi ngày, các em được ăn với mức 28.000 đồng/người, trong đó, bữa sáng 5.000 đồng, bữa trưa và chiều tối mỗi bữa là 11.500 đồng. Hiện nay, cùng với việc giá thực phẩm tăng, các trường ở vùng xa còn chịu thêm chi phí vận chuyển nên thời gian qua, các trường đã chủ động tìm nguồn thực phẩm, nhất là lợn thịt tại địa phương để lo bữa ăn hằng ngày cho học sinh. Như vậy sẽ giảm chi phí vận chuyển và mua tận gốc, giá sẽ thấp hơn khi ra chợ. Ngoài ra, các trường khuyến khích thu mua thực phẩm của nhân dân địa phương như: trứng, cá, rau xanh…
Thầy giáo Vi Trọng Quang, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình chia sẻ: Năm học 2018 – 2019, nhà trường có 70 học sinh. Cùng với việc thay đổi thực đơn, nhà trường còn trồng thêm rau xanh để bổ sung thực phẩm sạch và giảm chi phí mua rau để mua thịt. Tuy số lượng học sinh ít nhưng việc nấu ăn và lựa chọn thực phẩm vẫn phải đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm và đủ chất cho học sinh học tập.
Thực tế, giá thịt lợn tăng đã kéo giá một số thực phẩm khác tăng theo và dự báo sẽ có sự leo thang theo sự tăng giá của thịt lợn trong thời gian tới. Để ứng phó, các trường học tổ chức ăn bán trú cho học sinh đã linh hoạt lựa chọn, bổ sung các thực phẩm khác thay thế, tuy nhiên, các nhà trường cần chú trọng chọn thực phẩm, cơ sở uy tín để ký hợp đồng cung ứng. Việc lưu trữ mẫu thực phẩm, kiểm tra quy trình sơ chế, chế biến cũng được cán bộ y tế thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình và có sự giám sát của ban giám hiệu nhà trường… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho học sinh.
Ý kiến ()