Đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT
LSO-Nhiều năm qua, Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bình đẳng giới, đặc biệt là với một ngành đặc thù tỷ lệ nữ nhiều hơn nam như ngành giáo dục và đào tạo (trung bình tỷ lệ nữ chiếm khoảng 70%). Chính vì vậy, ngành luôn xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là rất quan trọng.
Cán bộ, giáo viên là nữ chiếm tỷ lệ cao trong các trường học |
Nói về công tác chỉ đạo thực hiện bình đẳng giới trong hệ thống giáo dục, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, hằng năm ngành giáo dục và đào tạo đều kiện toàn ban chỉ đạo vì sự tiến bộ của phụ nữ để xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai hoạt động. 100% cán bộ công chức, viên chức và học sinh, sinh viên của toàn ngành được tuyên truyền Luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình, luật hôn nhân gia đình. Nội dung chương trình được lồng ghép vào các chương trình giảng dạy ở 100% cấp học. Ngoài ra, ngành phát động, tổ chức các phong trào thi đua lớn của ngành trong đó có sự kết gắn vai trò của phụ nữ như phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cụ thể là “giỏi việc trường, đảm việc nhà”; phong trào 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt. Hằng năm Sở GD-ĐT đều rà soát, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ đảm bảo tỷ lệ theo quy định và chỉ tiêu đặt ra trong những chương trình bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời tổ chức chỉ đạo các chị em cán bộ, giáo viên đi học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Riêng đối với các nhà trường, hằng năm khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là chị em nữ để có cơ hội phòng tránh, đảm bảo sức khỏe để phục vụ giảng dạy tốt trong các cơ sở giáo dục mà đòi hỏi thầy cô yêu cầu cao hơn, chuẩn mực hơn để hoàn thành nhiệm vụ năm học.
Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo cũng như giám sát chặt chẽ công tác bình đẳng giới trong toàn hệ thống giáo dục nên trong khoảng 5 năm trở lại đây, 100% nữ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6; riêng năm học 2011-2012, tỷ lệ nữ học sinh tốt nghiệp cấp THCS, THPT vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chiếm gần 95%, tăng gần 10% so với trước đó; 70% nữ cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn; tỷ lệ nữ quản lý tại các đơn vị, cơ sở giáo dục đã cải thiện đáng kể. Hiện nay, 1/3 tiến sĩ là nữ, 78,5% thạc sĩ chuyên ngành là nữ, cán bộ, giáo viên nữ trình độ đại học chiếm gần 70%; có 2/5 nữ cán bộ, giáo viên đang theo học tiến sĩ; 92/117 đang theo học thạc sĩ; 4/6 học cao cấp lý luận chính trị…
Bên cạnh việc thực hiện các chỉ đạo của ngành thì các đơn vị, các phòng giáo dục cấp huyện, thành phố cũng đã xây dựng được kế hoạch cụ thể, chi tiết kết hợp với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú đa dạng giúp cho việc thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả từ tỉnh đến huyện. Đối với ngành GD-ĐT huyện Bắc Sơn – ngành có tỷ lệ nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên là nữ rất lớn thì công tác chỉ đạo, thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ được đặc biệt coi trọng. Ông Hoàng Quốc Tuấn Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết, hiện toàn ngành có trên 900 cán bộ, giáo viên nữ chiếm khoảng 75%. Vì vậy, ngành luôn cố gắng phấn đấu thực hiện sự bình đẳng về công việc và phân công công việc cũng như là bình đẳng về trách nhiệm. Đồng thời đảm bảo các chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên nữ; khuyến khích tạo điều kiện cho chị em trong các hoạt động chuyên môn.
Tuy có nhiều kết quả đáng kể, song ngành vẫn còn tồn tại vấn đề về nhận thức của một bộ phận cán bộ trong ngành chưa thực sự đúng đắn vẫn còn có những định kiến về giới…Vì vậy, ngành GD&ĐT tỉnh xác định giai đoạn 2011 – 2015, cần phải đạt được một số mục tiêu cụ thể như tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, vùng khó khăn phải đạt 95%; phấn đấu tỷ lệ cán bộ nữ công chức được bồi dưỡng chính trị, hành chính, tin học, ngoại ngữ đạt từ 45% trở lên so với tổng số cán bộ công chức; tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 40%, tiến sĩ nữ đạt 20% vào năm 2015 trên tổng số đi đào tạo. Để làm được điều đó, theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thì ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giới và bình đẳng giới; tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề vì sự tiến bộ phụ nữ; phát động các phong trào thi đua của ngành; khuyến khích tạo mọi điều kiện tốt nhất bằng nhiều hình thức để cán bộ, giáo viên nữ được nâng cao trình độ…
Ý kiến ()