Đảm bảo an toàn trường học trong mùa mưa bão
(LSO) – Năm nào cũng vậy, trước mỗi mùa mưa bão, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đều chỉ đạo các nhà trường tăng cường rà soát lại cơ sở vật chất, có kế hoạch sửa chữa, khắc phục, đề phòng thiệt hại xảy ra trong thời kỳ chuyển mùa nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.
Nếu như những năm học trước đây, vào thời điểm cuối tháng 5, học sinh đã chuẩn bị nghỉ hè, thì năm học 2019 – 2020, thời gian kết thúc năm học được lùi đến ngày 15/7/2020. Như vậy, mọi năm học sinh được nghỉ hè trước khi bước vào mùa mưa bão nhưng năm học này, các em sẽ phải đi học đúng vào mùa mưa bão. Đây là thực tế tiềm ẩn nhiều bất trắc có thể xảy ra, đe dọa sự an toàn của học sinh.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong trường học, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường học tiến hành kiểm tra, rà soát, gia cố, tu sửa toàn bộ cơ sở vật chất phòng, lớp học, đặc biệt là những phòng đã xuống cấp, những vị trí có nguy cơ xảy ra mất an toàn. Riêng đối với vấn đề cây xanh trong khuôn viên, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị, nhà trường tổng kiểm tra, rà soát, chặt, tỉa bớt cành cây cản gió; chặt, đốn cây già cỗi, có nguy cơ đổ gây nguy hiểm cho người, công trình và cơ sở vật chất khác của đơn vị, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường. Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Song Giang, huyện Văn Quan học trong lớp học kiên cố, đảm bảo an toàn khi đến trường
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các trường học trên địa bàn đã tích cực triển khai, thực hiện rà soát lại cơ sở vật chất và lên kế hoạch sửa chữa. Là một trường có đông học sinh, Trường THPT Việt Bắc tích cực đề ra các phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản vào mùa mưa bão. Cô Hà Thị Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn cho hay: Năm nay, công tác này càng được nhà trường chú trọng hơn do học sinh vẫn phải tới lớp học tập trong mùa mưa bão. Thời gian qua, nhà trường đã cho rà soát lại hệ thống cơ sở vật chất phòng học, mái lợp, tường bao quanh khuôn viên trường để đánh giá thực trạng và có kế hoạch sửa chữa. Đồng thời rà soát các cây xanh trong khuôn viên nhà trường. Trong trường có nhiều cây to, trồng lâu năm nên khi cắt tỉa nhà trường phối hợp với Chi nhánh cấp thoát nước đô thị thuộc Công ty Cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn tính toán các phương án cắt tỉa cành cây, đề phòng sự cố có thể xảy ra.
Ngoài vấn đề cây xanh, hiện nay, các nhà trường còn tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống tai nạn đuối nước, bạo lực học đường, an toàn giao thông đường bộ. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý học sinh các giờ chính khoá, cũng như các hoạt động ngoại khoá; phối hợp với gia đình học sinh tổ chức quản lý, giám sát, hướng dẫn học sinh đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước thường xuyên.
Là trường học nằm ở khu vực nhiều sông, suối, Trường Tiểu học và THCS xã Tân Minh, huyện Tràng Định vào mùa mưa bão thường xuyên bị chia cắt bởi mực nước suối dâng cao. Còn ngày thường, các em học sinh phải lội suối, hoặc đi qua các cây cầu tạm bợ, rất nguy hiểm. Vì vậy, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các em chú ý thời tiết, nếu trời mưa to, nước dâng nhiều thì không được tự ý lội suối. Em Trần Long Hải, lớp 8A, Trường Tiểu học và THCS xã Tân Minh chia sẻ: “Được thầy cô thường xuyên nhắc nhở nên chúng em cũng tự ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân, nhắc nhở nhau không ra các khu vực sông, suối chơi vì rất nguy hiểm”.
Không chỉ Trường Tiểu học và THCS xã Tân Minh, thời điểm này, các trường học trên địa bàn tỉnh đều đang tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn cho học sinh, tập trung vào các nội dung: đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy nổ, điện giật; an toàn về giao thông đường bộ. Đặc biệt, cách cứu nạn đuối nước; phòng tai nạn đuối nước trong dịp hè, mùa mưa, lũ … Cùng với đó, các đơn vị đã chủ động thực hiện các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất của đơn vị.
Theo báo cáo của ngành GD&ĐT tỉnh, năm học 2019 – 2020, toàn tỉnh có 693 đơn vị, trường học. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trước khi bước vào năm học, ngành đã chỉ đạo rà soát các trang thiết bị, phòng, lớp học cũ, hỏng hoặc xuống cấp để cải tạo, sửa chữa và bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo môi trường học tập an toàn, thân thiện cho học sinh. Theo thống kê trong năm học này có trên 1.890 hạng mục công trình trường học được xây dựng, cải tạo, sửa chữa. Trong đó, xây mới và sửa chữa hơn 1.200 phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc; hơn 600 công trình nhà vệ sinh, bếp và nhà ăn; trên 80 phòng ở nội trú, bán trú và nhà đa năng. Qua đó, góp phần đảm bảo tốt nhất các điều kiện an toàn cho học sinh khi đến trường học.
Với những giải pháp thiết thực trong việc phòng, chống tai nạn, đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là trong mùa mưa bão sẽ giúp ngành giáo dục giảm thiểu những thiệt hại khi có mưa bão. Đồng thời góp phần ổn định, tránh xáo trộn việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục.
Ý kiến ()