Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học
Giờ ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường tổ chức học bán trú, học sinh học 2 buổi/ngày và có bếp ăn tập thể giúp cho việc học tập của các em trở nên thuận lợi hơn. Nhưng việc tổ chức ăn bán trú cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh ATTP. Bởi vậy, công tác quản lý bếp ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục và đảm bảo vệ sinh ATTP hằng năm đều được các phòng GD&ĐT cùng các trường đưa vào kế hoạch, nhiệm vụ năm học, quan tâm triển khai, chỉ đạo thực hiện.
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Giáo dục chính trị – tư tưởng và công tác học sinh sinh viên, Sở GD&ĐT tỉnh cho biết: Xác định đảm bảo ATTP trong trường học là nhiệm vụ trọng tâm nên ngay từ đầu năm học. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường có tổ chức lớp học bán trú, các trường phổ thông dân tộc nội trú có bếp ăn tập thể phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh trong quá trình chế biến, nguồn nguyên liệu thực phẩm rõ ràng; thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thực phẩm. Đồng thời chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục xây dựng và nâng cấp các bếp ăn tập thể, đảm bảo vệ sinh ATTP.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh, hiện nay, trong 743 trường học trên toàn tỉnh, có trên 500 trường có bếp ăn tập thể. Riêng đối với cấp mầm non, 100% trường đều tổ chức ăn bán trú. Hầu hết các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú đều được đánh giá là mua thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh ATTP, thực hiện lưu mẫu theo quy định; trên 80% số cơ sở có bếp ăn đáp ứng yêu cầu vệ sinh ATTP (vị trí, thiết kế, cấu trúc, bố trí); 70% cơ sở có nhà ăn riêng sạch sẽ, thoáng mát; gần 100% bếp ăn tại các trường học có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP và được ký cam kết đảm bảo vệ sinh ATTP.
Cô giáo Trần Thị Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, nhà trường đã rất quan tâm, chú trọng đến công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh, thường xuyên nhắc nhở, quán triệt, nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ nhân viên nhà bếp. Cùng đó, đối với những cơ sở cung cấp thực phẩm, nhà trường thực hiện ký hợp đồng cam kết trách nhiệm; thực đơn, thực phẩm được lên lịch theo tuần, theo mùa; hằng ngày, thực phẩm được nhập dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường. Năm học 2017- 2018, nhà trường được lựa chọn thực hiện bữa ăn cân bằng dinh dưỡng theo thực đơn cân bằng dinh dưỡng của công ty Ajnomoto của Nhật Bản triển khai tại tỉnh Lạng Sơn. Đó là cơ sở để nhà trường tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh ATTP, góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Do làm tốt công tác vệ sinh ATTP nên nhiều năm nay tại các cơ sở trường học có bếp ăn bán trú trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó để đảm bảo tuyệt đối chất lượng vệ sinh ATTP ở các trường học. Chính vì thế, để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện, ngành GD&ĐT Lạng Sơn cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho bếp ăn bán trú; kiểm soát chặt chẽ từ khâu lựa chọn thực phẩm đến chế biến; tăng cường kiểm tra tại các bếp ăn trường học…
Ý kiến ()