Đảm bảo an toàn thực phẩm ở các bếp ăn trường học
(LSO) – An toàn thực phẩm là vấn đề được xã hội hết sức quan tâm, nhất là bếp ăn ở các trường học, cơ sở giáo dục có phục vụ bữa ăn bán trú. Do vậy, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ những quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các trường, giúp học sinh có bữa ăn an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Ngày 27/5/2020, chúng tôi đến thăm mô hình bếp ăn của Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn – một trong những cơ sở đi đầu trong công tác đảm bảo VSATTP của ngành GD&ĐT tỉnh; tận mắt chứng kiến sự chỉn chu, sạch sẽ của gian bếp mới thấy được sự quan tâm của nhà trường dành cho các em học sinh. Cô Ngô Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: Năm 2018, được sự tài trợ của Đại sứ quán Nhật Bản và Công ty Ajinomoto, nhà trường đã đưa vào sử dụng khu hệ thống bếp ăn một chiều, nhà ăn, bếp nấu, khu chế biến và các trang thiết bị được đầu tư theo quy chuẩn Nhật Bản. Bên cạnh đó, mỗi năm 1 lần, chúng tôi tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức về nấu ăn cho nhân viên nhà bếp, đảm bảo cho học sinh từng bữa ăn ngon miệng, an toàn.
Nhân viên bếp ăn Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chế biến thức ăn cho học sinh
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 650 bếp ăn tập thể (trong đó, 362 bếp đạt tiêu chuẩn “1 chiều”) tại các cơ sở giáo dục với tổng số 87.387 học sinh ăn bán trú, chiếm 64,5% học sinh toàn tỉnh. Toàn ngành có 1.630 nhân viên nấu ăn, trong đó có 1.597 nhân viên đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức VSATTP, gần 100% nhân viên được thăm khám sức khỏe định kỳ.
Để đảm bảo VSATTP tại bếp ăn của các trường học trên địa bàn tỉnh, sở đã triển khai các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện công tác vệ sinh nhà ăn, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, đủ tiêu chuẩn cho học sinh. Đặc biệt trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, năm nay, (từ ngày 15/4 đến 15/5), Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế thành lập các đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát 1.917 lượt tại bếp ăn tập thể các trường, qua kiểm tra cho thấy, các trường cơ bản thực hiện tốt quy định về VSATTP, không phát hiện trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức 2.878 lượt tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: ngoại khóa, phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi,… về ATTP, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn cho 339.056 lượt học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.
Các trường học cũng thực hiện ký kết với các cơ sở cung cấp thực phẩm lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, có địa chỉ rõ ràng và ký cam kết trách nhiệm về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra mất VSATTP. Đồng thời phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát chặt chẽ về VSATTP cũng như các khẩu phần ăn hằng ngày cho học sinh, đảm bảo đúng định lượng, chất lượng. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp tích cực trên, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn trường học trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh các trường ở địa bàn thành phố, thị trấn có nhiều điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, nguồn cung cấp thực phẩm,… thì các cơ sở giáo dục ở các xã khó khăn, vùng sâu vùng xa do nằm ở địa bàn đặc thù, giao thông không thuận tiện, hoàn cảnh gia đình học sinh còn khó khăn nên việc đóng góp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng đảm bảo ATVSTT còn hạn chế. Bà Ngô Thị Mai, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã Công Sơn, huyện Cao Lộc cho biết: Do trường nằm ở địa bàn khá xa trung tâm huyện nên 2 ngày, chúng tôi mới nhập thực phẩm cho các cháu một lần, mỗi lần nhập phải ra tận thành phố Lạng Sơn nên nguồn thực phẩm khó đảm bảo độ tươi, ngon. Bên cạnh đó, diện tích bếp ăn của nhà trường hiện nay là 90 m2, rất khó khăn trong việc vừa đảm bảo không gian nấu ăn, vừa phục vụ bữa ăn cho học sinh.
Bà Lương Bích Ngà, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo sở quan tâm đẩy mạnh công tác VSATTP trong các nhà trường, đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; đề nghị UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho bếp ăn các trường nội trú, bán trú thuộc địa bàn khó khăn, xem xét phương án hỗ trợ lương cho nhân viên nấu ăn trong trường học; đề nghị Sở Y tế hỗ trợ, cung cấp tài liệu hướng dẫn về VSATTP cho ngành GD&ĐT, tiếp tục phối hợp bồi dưỡng kiến thức cho nhân viên nấu ăn theo quy định.
Việc đảm bảo VSATTP tại các bếp ăn trong nhà trường luôn là vấn đề cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Mong rằng, thời gian tới, việc đảm bảo VSATTP tại các trường học sẽ được các cấp, ngành chức năng, đặc biệt là ngành GD&ĐT quan tâm hơn nữa để đảm bảo VSATTP, nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho học sinh, giúp các em đạt được kết quả cao trong học tập.
HOÀNG HIẾU - TIỂU YẾN
Ý kiến ()