Đảm bảo an toàn thực phẩm: Nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng
– Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), những năm qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh (SXKD) và tiêu dùng. Qua đó, góp phần đảm bảo ATVSTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Thời gian qua, công tác bảo đảm ATVSTP nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã và đạt được những kết quả quan trọng. Trong 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Để có được kết quả đó, công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường và chiến dịch truyền thông bảo đảm ATTP được đẩy mạnh thực hiện. Đối tượng ưu tiên truyền thông là tổ chức, cá nhân SXKD thực phẩm và người tiêu dùng. Nội dung truyền thông gồm: tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra tại Siêu thị Đồng Tiến (thành phố Lạng Sơn)
Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người SXKD và tiêu dùng, hạn chế ngộ độc thực phẩm, những năm qua, các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) được chi cục tăng cường ở cả ba tuyến: tỉnh, huyện, xã thông qua việc đa dạng hóa các hoạt động truyền thông; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, ngăn chặn nhiều sản phẩm mất ATTP lưu thông trên thị trường.
Cụ thể, chi cục đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm của người SXKD và người tiêu dùng trong SXKD thực phẩm theo quy định của pháp luật. Từ năm 2021 đến nay, Chi cục ATVSTP đã thực hiện 27 tin bài tuyên truyền về ATTP gửi bản tin y tế, website của Cục ATTP, website của chi cục, in, phân phát gần 40 đĩa CD cho văn phòng HĐND – UBND các huyện, thành phố để tuyên truyền; in 70 băng rôn nội dung tuyên truyền về ATTP treo trên các tuyến phố chính… Qua đó, góp phần tích cực nâng cao nhận thức, chuyển biến hành động trong cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, thúc đẩy sản xuất thực phẩm sạch, an toàn.
Chị Trần Thị Yến, chủ quán phở tại khu 5B, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho biết: Tôi bán đồ ăn sáng tại nhà. Qua đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, tôi nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATVSTP trong quá trình chế biến, bảo quản cũng như các yếu tố dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Do đó, tôi luôn cẩn trọng lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời nhắc nhở nhân viên trong quán tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo ATVSTP trong quá trình chế biến, bảo quản… để cung cấp cho khách hàng thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng.
Đi đôi với tuyên truyền, Chi cục ATVSTP đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra liên ngành tại 11 huyện, thành phố. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở SXKD và chế biến thực phẩm trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, chi cục đã tiến hành kiểm tra 7.501 lượt cơ sở/ 7.324 cơ sở; phát hiện 965 cơ sở vi phạm (chiếm 12,8%) xử phạt vi phạm hành chính 358 cơ sở với số tiền hơn 450 triệu đồng.
Việc tuyên truyền và kiểm tra thường xuyên đã góp phần nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm cho các cơ sở SXKD và người tiêu dùng. Ông Nông Hồng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại siêu thị Đồng Tiến (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Công ty đang kinh doanh hơn 3.000 loại thực phẩm. Trong quá trình kinh doanh, chúng tôi đã cử 4 nhân viên phụ trách quầy hàng thực phẩm, thường xuyên kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định như: nhiệt độ bảo quản, hạn sử dụng, nhãn, tem phụ… Đặc biệt, chúng tôi còn khuyến khích người tiêu dùng nâng cao trách nhiệm trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm bằng cách thưởng nóng 100 nghìn đồng cho khách hàng phát hiện sản phẩm hết hạn sử dụng.
Với sự chủ động của các cấp, ngành chức năng, hy vọng rằng, người SXKD và tiêu dùng sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP, giảm thiểu các hành vi vi phạm trong SXKD thực phẩm, đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng, góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn.
Ý kiến ()