Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các di tích
LSO- Vụ hỏa hoạn tại Đền Mẫu Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) vừa xảy ra mới đây gây thiệt hại về tài sản hơn 300 triệu đồng như một cảnh báo về thực trạng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở các di tích (đình, chùa, đền, miếu), nhất là mùa lễ hội.
Sáng 20/2/2018 (tức mùng 5 tết) ngọn lửa bất ngờ bốc lên dữ dội từ dãy cửa hàng bán vàng mã trong khuôn viên Đền Mẫu Đồng Đăng. Nguyên nhân được lực lượng chức năng xác định là do rò rỉ khí ga trong quá trình sử dụng. Hàng hóa ở các cửa hàng chủ yếu là vàng mã, hương – những thứ dễ cháy nên khi ngọn lửa bùng phát ở một gian hàng thì nhanh chóng lan sang 8 cửa hàng bên cạnh làm cho cả dãy 9 cửa hàng bị bốc cháy.
Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, các lực lượng chức năng đã có mặt để dập tắt đám cháy, tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc và đặc biệt tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở ban quản lý cũng như các hộ kinh doanh về các biện pháp PCCC, đảm bảo an toàn mùa lễ hội. Bà Đỗ Thị Thúy, Phó Trưởng Ban Quản lý Đền Mẫu Đồng Đăng khẳng định: Trong mùa lễ hội này, ngoài việc xây dựng quy định riêng về PCCC như: treo biển báo cấm lửa, hút thuốc, thắp hương; tuyên truyền, vận động người dân không thắp hương khi vào đền…, nhà đền đã cắt toàn bộ điện và quán triệt các hộ kinh doanh không sử dụng ga. Đồng thời thành lập đội PCCC; lắp thêm vòi cứu hỏa, máy bơm công suất lớn để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH hướng dẫn Ban quản lý đền Mẫu Đồng Đăng sử dụng, bảo quản bình chữa cháy đúng cách
Đền Mẫu Đồng Đăng là một trong hơn 250 di tích đình, chùa, đền, miếu trên địa bàn toàn tỉnh (ngoài ra, còn rất nhiều các điểm thờ tự khác). Phần lớn các di tích có từ lâu đời, nhiều hạng mục xuống cấp, ít được bảo dưỡng như: đường dây, nguồn điện, hệ thống cột nối, xà hoành, rui, qua thời gian bị mối mọt (đình Vằng Khắc – xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình…). Một số di tích được xây dựng với kiến trúc cổ, lối đi nhỏ hẹp, ít chỗ thoát hiểm (đền Cô Đồng Đăng, chùa Tà Lài – Văn Lãng…). Chỉ một số di tích có người thường trực 24/24 giờ, còn lại nhiều di tích khi có người dân làm lễ hoặc ngày tiệc, ngày hội mới được quét dọn, mở cửa. Vào dịp tết, lễ hội, nhiều người dân đi lễ và thắp hương, hóa vàng, cộng với thời tiết hanh khô kéo dài là những nguyên nhân dễ dẫn đến cháy nổ. Trong khi đó, nhận thức của các thủ từ, người quản lý trông coi các di tích và nhân dân về công tác PCCC tại các đền, chùa, đình, miếu chưa cao.
Trung tá Phạm Huy Tâm, Đội trưởng Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh cho biết: Nhiều di tích đã được lực lượng PCCC trang bị bình chữa cháy song một số thủ từ không quan tâm đến công tác bảo quản, đặt ở những nơi ẩm thấp, dẫn đến bình bị hư hỏng. Một số di tích còn để các hộ kinh doanh đồ dễ cháy trong khuôn viên, tự ý kéo điện không đảm bảo theo quy định. Một số di tích lớn chưa trang bị máy bơm chữa cháy chạy bằng nguyên liệu, công suất lớn để đảm bảo chữa cháy kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Trước thực trạng đó, để đảm bảo công tác PCCC trong mùa lễ hội Xuân Mậu Tuất, ngay từ đầu năm 2018, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH đã xây dựng kế hoạch, tổ chức cho các ban quản lý, ban khánh tiết ở các đền chùa ký cam kết và tăng cường kiểm tra các thiết bị đảm bảo PCCC ở các đình, đền chùa, đặc biệt là nơi diễn ra những lễ hội lớn. Từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng đã tổ chức tuyên truyền, kiểm tra được 45 lượt đình, chùa, đền, miếu, qua kiểm tra đơn vị nhắc nhở, hướng dẫn các chủ đền, chủ từ về PCCC.
Thiếu tá Bùi Huy Khánh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH cho biết: Nhằm tăng cường PCCC tại các di tích, đơn vị tiếp tục tham mưu cho Công an tỉnh xây dựng văn bản tăng cường công tác PCCC-CNCH tại đình, chùa, đền, miếu. Đặc biệt trong mùa lễ hội, lực lượng PCCC tăng cường kiểm tra tại các di tích, điểm tổ chức lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn ban quản lý, ban khánh tiết ở các đình, chùa, đền, miếu và nhân dân về PCCC.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()