Đảm bảo An toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng: Cần nêu cao trách nhiệm của nhà thầu thi công
– Theo quy định, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công. Tuy nhiên, từ thực tế an toàn lao động trên công trường xây dựng tại tỉnh trong thời gian qua cho thấy còn nhiều nhà thầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác này.
Khảo sát thực tế tại công trình cải tạo Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh ngày 8/2/2023, chúng tôi nhận thấy nhiều công nhân đang làm việc tại công trường còn thiếu các thiết bị bảo hộ lao động như: mũ cứng, giày, găng tay, khẩu trang. Ông Vi Văn Quảng, Tổ trưởng xây dựng công trình Công ty TNHH MTV Nga Phong – đơn vị đảm nhiệm thi công công trình cho biết: Trước khi thực hiện lao động tại công trường, công ty đều quán triệt thực hiện quy trình bảo đảm an toàn và phát trang phục bảo hộ nhưng nhiều người không sử dụng và cho rằng sử dụng các dụng cụ bảo hộ gây khó chịu, vướng víu trong quá trình làm việc. Chúng tôi nhắc nhở nhưng cũng chỉ được một lúc, khi chúng tôi di chuyển ra chỗ khác là họ lại bỏ ra.
Cán bộ phụ trách an toàn lao động Công ty Cổ phần Xây dựng Trường An Lạng Sơn quán triệt nội dung an toàn lao động cho công nhân
trước khi vào làm việc tại công trường
Qua ví dụ trên cho thấy sự chủ quan của người lao động và sự thiếu kiên quyết của nhà thầu dẫn đến việc chấp hành quy định về việc sử dụng thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động trong các công trường còn nhiều thiếu sót. Thực tế đã có không ít công trình chỉ vì thiếu sự kiểm tra, giám sát kiên quyết của nhà thầu trong việc chấp hành các quy định, quy định về an toàn trong xây dựng dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm.
Đơn cử như vào tháng 10/2022 xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại công trình Thuỷ điện Bản Nhùng, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan khiến 1 người chết và 2 người bị thương nặng. Theo thông tin từ chủ đầu tư, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do tổ thi công của nhà thầu đã lắp dựng nhầm các thiết bị của hệ giàn giáo dẫn đến hệ thống giàn giáo bị sập.
Theo số liệu thống kê của ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh, trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn lao động làm 3 người chết và 4 người bị thương. Chủ yếu các vụ tai nạn xảy ra ở khu vực xây dựng dân dụng tư nhân có sử dụng lao động ngoài hợp đồng. Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động trong khu vực ngoài hợp đồng do các cá nhân lao động chấp hành sai quy trình bảo đảm an toàn trong lao động tại công trình.
Ông Trương Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trong quá trình thực hiện kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các nhà thầu đều đã đáp ứng về mặt hồ sơ liên quan đến cam kết bảo đảm an toàn lao động khi ký kết hợp đồng xây dựng với chủ đầu tư. Tuy nhiên, các đơn vị thi công còn lơ là và thực hiện thiếu quyết liệt trong công tác này. Mặc dù trong thời gian qua, khu vực đầu tư công chưa xảy ra vụ tai nạn lao động nào trong quá trình xây dựng các công trình nhưng nguy cơ tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Từ thực tế nêu trên, trong năm 2022 và đầu năm 2023, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm công tác an toàn lao động trên các công trình xây dựng.
Cụ thể, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 1502/UBND-KT ngày 14/12/2022 về việc tăng cường công tác quản lý đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở Xây dựng tiếp tục ban hành Công văn số 27/SXD-QLXD ngày 5/1/2023 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Công nhân Công ty TNHH MTV Nga Phong Lạng Sơn thi công công trình cải tạo Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết: Trong năm 2022, thanh tra sở đã kiểm tra lồng ghép 28 công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh (6 công trình kiểm tra theo kế hoạch của UBND tỉnh giao, 22 công trình thực hiện theo kế hoạch của sở) và đã chỉ ra những tồn tại, yếu kém của các nhà thầu về công tác bảo đảm an toàn lao động, yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả khắc phục sau thanh tra, kiểm tra.
Hiện nay, hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh đang diễn ra rất sôi động ở cả khu vực đầu tư công và tư nhân. Do đó, các chủ đầu tư, đặc biệt là các đơn vị thi công cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng; các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các vi phạm. Song song với đó, các nhà thầu, người lao động cần tự nâng cao kiến thức, ý thức về an toàn lao động để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm
– Trong quá trình thực hiện dự án theo quy định, chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công. Tuy nhiên, qua thực tế theo dõi cho thấy các chủ đầu tư và tư vấn giám sát chưa thực hiện quyết liệt công tác này. Về vấn đề này, phóng viên Báo Lạng Sơn phỏng vấn ngắn với đại diện các chủ đầu tư, tư vấn giám sát trong việc chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn lao động trên công trường trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Khánh Vinh, Phó Giám đốc Ban Quản lý bảo trì và xây dựng công trình giao thông – Sở Giao thông Vận tải: “Sẽ xử lý nghiêm các nhà thầu có dấu hiệu vi phạm an toàn lao động trong quá trình thi công công trình”.
Hiện Ban Quản lý bảo trì và xây dựng công trình giao thông đang quản lý 20 nhà thầu thi công các công trình hạ tầng giao thông do ban làm chủ đầu tư. Khi thực hiện ký kết hợp đồng đầu tư xây dựng giữa chủ đầu tư với đơn vị trúng thầu thi công xây dựng, chúng tôi đã yêu cầu rất chặt chẽ về vấn đề an toàn lao động, từ hồ sơ đến thực tế triển khai tại hiện trường nhất là đối với các hạng mục có tiềm ẩn rủi ro dễ xảy ra tai nạn như thi công móng, mố cầu, gác dầm cầu. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng công nhân chưa chấp hành các quy định về an toàn lao động và nhà thầu còn lơ là trong việc quản lý thực hiện quy trình, quy chuẩn an toàn, hoặc đã phát thiết bị bảo hộ lao động nhưng không sử dụng. Để xảy ra hiện tượng này cũng có lỗi của chủ đầu tư khi chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm đối với công tác bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng của nhà thầu. Trong năm 2023, với trách nhiệm của chủ đầu tư, chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ và kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm về an toàn lao động.
Ông Nguyễn Kiến Chất, Trưởng Phòng Tư vấn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh: “Bám sát hiện trường công trình để quản lý chặt công tác an toàn lao động gắn với quản lý chất lượng, tiến độ công trình”.
Hiện Phòng Tư vấn được lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện quản lý 3 công trình dân dụng do ban làm chủ đầu tư. Vì đặc thù đối với công trình dân dụng là thi công trên cao nên khi triển khai tại hiện trường, đơn vị thường xuyên quán triệt đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật; cán bộ an toàn lao động của nhà thầu phải thường xuyên nhắc nhở công nhân đội mũ, đi giày bảo hộ theo quy định, đeo dây bảo hộ đúng cách; trong quá trình sử dụng máy hàn, cắt, khoan, đục phải chú ý an toàn khi sử dụng điện. Tuy nhiên, do cán bộ của phòng không thường xuyên có mặt tại công trường nên còn để xảy ra tình trạng người lao động của nhà thầu không sử dụng các thiết bị bảo hộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đổi mới phương pháp giám sát, kiểm tra, đặc biệt là bám sát hiện trường để chấn chỉnh công tác này đối với các nhà thầu thi công sử dụng lao động vi phạm quy định về an toàn trong công trường, đồng thời lập biên bản xử lý theo quy định.
Ông Đinh Bá Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn giao thông Lạng Sơn: “Phát huy vai trò thay mặt chủ đầu tư để quản lý chặt chẽ công tác an toàn lao động”.
Hiện Công ty Cổ phần Tư vấn giao thông Lạng Sơn đang thực hiện giám sát 8 công trình xây dựng do các chủ đầu tư giao, trong đó có 2 dự án trọng điểm của tỉnh. Với chức trách thay mặt chủ đầu tư quản lý về chất lượng, tiến độ và an toàn lao động trong triển khai thi công công trình, trong năm 2022, công ty đã thực hiện nghiêm túc vai trò của mình trong việc giám sát công tác bảo đảm an toàn lao động trên công trường nhất là khâu chuẩn bị thi công chuyển giai đoạn đối với từng hạng mục công trình.
Cụ thể, trong năm 2022, đơn vị đã nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu đơn vị thi công dừng triển khai thi công công trình và thực hiện hoàn thiện quy trình an toàn mới cho triển khai thi công tiếp đối với 2 nhà thầu do thực hiện quy trình, quy chuẩn bảo đảm an toàn còn thiếu sót. Bước sang năm 2023 và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt vai trò giám sát thi công để đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn lao động, vệ sinh môi trường công trình. Đặc biệt là kiên quyết đình chỉ và yêu cầu dừng thi công đối với nhà thầu khi có dấu hiệu vi phạm công tác bảo đảm an toàn trong quá trình thi công.
Ý kiến ()