Đảm bảo an toàn hồ chứa: Vấn đề cần thiết và cấp bách
LSO-Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện trên địa bàn tỉnh có 271 hồ chứa thủy lợi, với tổng diện tích tưới tiêu là 12.547ha.
LSO-Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện trên địa bàn tỉnh có 271 hồ chứa thủy lợi, với tổng diện tích tưới tiêu là 12.547ha. Trong đó có 120 hồ chứa có chiều cao đập trên 8m và diện tích tưới đạt trên 10 ha đất canh tác do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi quản lý, còn lại chủ yếu là các hồ đập nhỏ do các huyện, thành phố quản lý. Các hồ chứa này không chỉ góp phần đảm bảo phục vụ nước tưới cho nông nghiệp mà còn góp phần cắt lũ cho hạ du, cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, phục vụ nuôi trồng thủy sản và du lịch; đồng thời cũng góp phần cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực hồ chứa.
Đập Lẩu Xá, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn không chỉ góp phần đảm bảo tưới tiêu mà còn phục vụ nuôi trồng thủy sản |
Tuy nhiên các hồ chứa nói trên chủ yếu được xây dựng từ những năm 60- 70 của thế kỷ trước, trong điều kiện về nguồn vốn, năng lực thiết kế, kỹ thuật thi công, tài liệu tính toán…còn hạn chế. Mặt khác, kinh phí dành cho duy tu, bảo dưỡng hàng năm còn thấp, công tác quản lý, vận hành còn nhiều khó khăn, bất cập. Vì vậy, rất nhiều hồ đập đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không phát huy được hiệu quả tưới tiêu và luôn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn.
Trong năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố và một số đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm định an toàn đập, rà soát lại việc thực hiện quản lý vận hành của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, sơ bộ cho thấy: trong số 101 hồ đập thủy lợi đã được kiểm tra, chỉ có 35 hồ đập vận hành an toàn, còn lại 66 hồ đập có nguy cơ mất an toàn hoặc không đảm bảo an toàn. Trong đó có 29 đập bị thấm ở mức độ nhẹ, 16 đập bị biến dạng mái, 10 đập bị thấm nặng thân đập và nền đập, 8 đập bị xói lở nặng phần tiêu năng, 2 đập thân tràn xả lũ bị hư hỏng nặng. Điều đáng nói ở đây là các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn chỉ có kế hoạch điều tiết nước mà không có quy trình vận hành cũng như chưa được kiểm định chất lượng công trình.
Trước thực trạng nói trên, thực hiện chương trình đảm bảo an toàn các hồ chứa theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 1446/BNN-TL ngày 14/6/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công văn số 601/TTg-NN ngày 17/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc “bổ sung vốn đầu tư sửa chữa nâng cấp các hồ chứa nước”, UBND tỉnh đã xem xét đưa nội dung trên vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của tỉnh và báo cáo Bộ NN&PTNN đưa vào chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa với phương châm: những hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao, dung tích lớn, có ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và dân sinh sẽ được ưu tiên thực hiện đầu tư nâng cấp, sửa chữa trước, đồng thời củng cố và hoàn thiện công tác quản lý đối với công trình thủy lợi, trong đó có các công trình hồ chứa. Với sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ NN&PTNN, đã đưa các dự án đảm bảo an toàn hồ chứa của tỉnh vào chương trình chung của Bộ. Trong giai đoạn 2000- 2013, toàn tỉnh đã hoàn thành nâng cấp, sửa chữa được 21 hồ chứa với tổng dung tích 47,2 triệu m3 nước, tổng diện tích tưới tiêu được đảm bảo là 3.408ha với tổng kinh phí là 186 tỉ đồng. Thực tế cho thấy, các hồ chứa đã được đầu tư nâng cấp sửa chữa nói trên khi đưa vào vận hành đều đảm bảo ổn định, an toàn cho hồ chứa và cho các vùng hạ du, dung tích chứa nước cũng được đảm bảo theo thiết kế. Dù vậy, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn đến 59 công trình hồ chứa cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí trên 620 tỉ đồng, đặc biệt là một số hồ đập: Cao Lan, Hua Khao, Kỳ Nà (Tràng Định), Khuổi Chủ, Bản Cưởm (Cao Lộc) Khuôn Pinh (Hữu Lũng), đang bị xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ mất an toàn cao, cần được đầu tư nâng cấp ngay.
Có thể nói, chương trình đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi là rất cần thiết và cấp bách, việc nâng cấp, sửa chữa cho các hồ chứa cần phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời với nguồn vốn đầu tư lớn. Năm 2011, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 2 đề án liên quan đến lĩnh vực thủy lợi, trong đó có Đề án Đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011- 2015, định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về vốn của tỉnh cùng với sự eo hẹp trong nguồn thu của các công trình thủy lợi, Lạng Sơn rất cần sự hỗ trợ đầu tư của các bộ ngành trung ương, đặc biệt là Bộ NN&PTNN để duy tu, sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy lợi và vùng hạ du.
HOÀNG HUY
Ý kiến ()