Đảm bảo an toàn giao thông đường sắt: Hiệu quả từ mô hình tự quản
– Thời gian qua, mô hình tổ tự quản an toàn giao thông (ATGT) đường sắt tại huyện Hữu Lũng đã phát huy hiệu quả trong tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra.
Mô hình tổ tự quản ATGT đường sắt tại km78 270, tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, thuộc địa bàn xã Hoà Thắng, huyện Hữu Lũng được triển khai từ tháng 8/2022 đến nay. Tổ tự quản với 6 thành viên gồm: công an viên và người dân địa phương sinh sống gần khu vực đường bộ giao cắt với đường sắt. Đây là điểm giao cắt không có gác chắn, lại có mật độ tham gia giao thông lớn, tại khu vực này gồm học sinh của các trường tiểu học, THCS và mầm non, trụ sở UBND xã Hoà Thắng…. Do đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã Hòa Thắng thành lập tổ tự quản nhằm đảm bảo ATGT đường sắt.
Cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, cơ động, Công an huyện hướng dẫn nghiệp vụ cho thành viên Tổ tự quản ATGT đường sắt xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng
Anh Nguyễn Minh Công, công an viên, Tổ trưởng Tổ tự quản ATGT đường sắt xã Hoà Thắng, huyện Hữu Lũng cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ của tổ tự quản là mỗi khi nhận được thông báo có tàu đi qua khu vực mình quản lý, tổ phân công các thành viên thực hiện việc cảnh báo, hướng dẫn, không để người, phương tiện tham gia giao thông qua đường khi tàu đến để đảm bảo an toàn. Đồng thời, chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể của thôn, xã tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt trong các cuộc họp thôn, xóm trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng không chỉ xã Hòa Thắng thành lập mô hình Tổ tự quản ATGT đường sắt, tại xã Hòa Sơn cũng đã thành lập mô hình Tổ tự quản ATGT đường sắt có 8 thành viên, cách thức hoạt động cũng tương tự như mô hình tại xã Hòa Thắng. Trước đây, những khu vực này đã từng xảy ra một số vụ va chạm giao thông khi tàu chạy qua. Chính vì vậy, việc triển khai mô hình tổ tự quản đảm bảo trật tự ATGT đường sắt tại đây đã được đông đảo bà con Nhân dân ủng hộ, nhiệt tình hưởng ứng.
Bà Nông Thị Vang, người dân xã Hòa Sơn chia sẻ: Trước đây, điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ đi qua trung tâm xã Hòa Sơn thỉnh thoảng xảy ra va chạm giữa ôtô con với tàu hỏa, rất nguy hiểm. Từ khi triển khai mô hình tổ tự quản này thì tôi thấy việc đi lại an toàn hơn nhiều, có người cảnh báo, hướng dẫn người dân. Chúng tôi rất ủng hộ mô hình này.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Hữu Lũng, hiện nay, tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng đi qua 5 xã thuộc địa phận huyện có 4 tuyến đường ngang và 45 lối đi tự mở qua đường sắt. Với đặc thù địa bàn có tuyến đường sắt chạy qua, nhiều điểm giao cắt đường bộ với đường sắt chưa có gác chắn, chưa có các biện pháp cảnh báo an toàn và vẫn còn những lối đi tự mở giao cắt với đường sắt thì việc triển khai các mô hình tổ tự quản đảm bảo trật tự ATGT đường sắt là rất cần thiết, không những thế, hiện nay, tuy tàu khách Hà Nội – Đồng Đăng đang tạm dừng hoạt động nhưng trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 3 – 5 chuyến tàu hàng duy trì hoạt động qua địa bàn. Vì vậy, việc cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các khu vực giao cắt đường bộ và đường sắt là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Trung tá Vi Văn Khánh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự, cơ động, Công an huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đang duy trì 2 mô hình tổ tự quản đảm bảo ATGT đường sắt tại 2 xã Hòa Thắng và Hòa Sơn, qua theo dõi, đánh giá từ khi mô hình tổ tự quản được thành lập từ tháng 8/2022 đến nay, các mô hình hoạt động rất tốt và hiệu quả. Từ đó đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp, vụ việc va chạm, tai nạn liên quan tới đường sắt xảy ra, còn trước đó đã từng xảy ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, hướng dẫn các tổ tự quản về nghiệp vụ, đồng thời, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị để có biện pháp tháo gỡ, đảm bảo cho các mô hình phát huy tốt hiệu quả.
Trong khi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt của địa phương còn hạn chế, thì việc triển khai mô hình tổ tự quản đảm bảo trật tự ATGT đường sắt tại những điểm giao đường sắt – đường bộ ở khu vực đông dân cư là rất thiết thực, hữu ích, phát huy được tinh thần trách nhiệm của người dân trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trong cộng đồng… Hy vọng rằng, thời gian tới, mô hình tự quản ATGT đường sắt sẽ được nhân rộng tại các địa bàn có tuyến đường sắt đi qua, qua đó, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn…
Ý kiến ()