Đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vắc xin ComBe Five
(LSO) – Bắt đầu từ tháng 1/2019, Lạng Sơn triển khai tiêm vắc xin ComBe Five để thay thế vắc xin 5 trong 1 Quivanxem. Trước một số ca phản ứng sau tiêm tại một số địa phương trên toàn quốc gây hoang mang dư luận, ngành y tế tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn khi chính thức đưa vắc xin ComBe Five vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ông Triệu Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để việc tiêm vắc xin ComBe Five đạt hiệu quả cao và an toàn, Sở Y tế đã tăng cường chỉ đạo, giao trách nhiệm cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tổ chức tập huấn về tăng cường công tác khám sàng lọc trước khi tiêm, cách xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng. Đồng thời, yêu cầu tất cả các cơ sở tổ chức tiêm chủng phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng. Đặc biệt, nhân viên y tế tham gia tiêm chủng phải tư vấn được cho gia đình trẻ cách chăm sóc, theo dõi phản ứng của trẻ sau tiêm.
Nhân viên Trạm Y tế phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm vắc xin ComBe Five thay thế vắc xin 5 trong 1 Quivanxem, Trung tâm CDC đã tổ chức được 1 lớp tập huấn tại tuyến tỉnh và đang triển khai tổ chức tập huấn tại 11 huyện, thành phố. Tính đến ngày 23/1/2019, 5 huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn gồm: Văn Quan, Tràng Định, Văn Lãng, Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn. Nội dung tập huấn nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn trước, trong và sau tiêm như: quy trình bảo quản vắc xin; sàng lọc trước tiêm; theo dõi, xử trí phản vệ sau tiêm và cách tư vấn, chăm sóc trẻ sau khi tiêm. Bên cạnh đó, Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm CDC và phòng chuyên môn đã trực tiếp kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các điểm tiêm.
Văn Quan là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh tiến hành tiêm vắc xin ComBe Five. Ông Đặng Văn Năm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Văn Quan cho biết: Từ ngày 2 đến 3/1/2019, huyện Văn Quan đã tổ chức tiêm vắc xin ComBe Five tại trạm y tế của 24 xã, thị trấn trên địa bàn. Toàn huyện có 477 trẻ thuộc đối tượng tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3. Ngoài những trường hợp chống chỉ định, đã có 343/477 trẻ được tiêm vắc xin ComBe Five. Qua theo dõi, các cháu được tiêm hiện sức khỏe ổn định và tiếp tục được gia đình, cán bộ y tế theo dõi sau tiêm. Có 2 trường hợp sốt cao, sau khi được điều trị tại TTYT huyện và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xuất viện và sức khỏe ổn định.
Nhân viên Trạm Y tế xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định tiêm cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng
Theo dự kiến, 6 huyện chưa tổ chức tập huấn sẽ hoàn thành công tác tập huấn trong tháng 1/2019. Sở Y tế sẽ có kế hoạch tiêm vắc xin ComBe Five sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, lịch tiêm chủng vắc xin ComBe Five vẫn không thay đổi: Trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi vào lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Trẻ được tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin Quinvaxem sẽ tiếp tục sử dụng vắc xin ComBe Five cho các mũi tiếp theo. Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm CDC khẳng định: Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, tránh được những biến chứng, gánh nặng bệnh tật cho trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ để bảo đảm trẻ nhận được miễn dịch phòng chống bệnh. Bên cạnh đó, với những trẻ đã có phản ứng nặng với lần tiêm chủng trước thì các bà mẹ cần chia sẻ với cán bộ y tế để được tư vấn sử dụng loại vắc xin khác có thành phần tương tự; các trường hợp khác (cháu bé đang ho, sốt…) thì hoãn tiêm. Phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin cần mô tả đầy đủ tình trạng sức khỏe của trẻ với bác sĩ, cán bộ tiêm chủng để được tư vấn đúng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 9/1/2019, cả nước đã có 28 tỉnh, thành triển khai tiêm vắc xin ComBe Five thay thế vắc xin 5 trong 1 Quivaxem. Số trẻ được tiêm là 131.171 trẻ. Vắc xin ComBe Five do Ấn Độ sản xuất đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5/2017. Vắc xin ComBe Five có thành phần tương tự như vắc xin Quinvaxem, có hiệu quả phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib; đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đã được sử dụng ở 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều. |
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()