Đảm bảo an toàn cho người đi bộ
LSO-Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ tại nạn và va chạm giao thông liên quan đến người đi bộ làm 3 người chết, 3 người bị thương.
LSO-Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ tại nạn và va chạm giao thông liên quan đến người đi bộ làm 3 người chết, 3 người bị thương. Trong đó, 5 vụ người đi bộ là nạn nhân, 1 vụ do lỗi của người đi bộ. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn là các chủ phương tiện vượt sai quy định, không đi đúng làn đường, phần đường, không chú ý quan sát. Bên cạnh đó, một bộ phận người đi bộ khi tham gia giao thông cũng chưa chú ý quan sát, qua đường không đảm bảo an toàn gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông và chính bản thân họ.
Nhiều hộ dân thành phố Lạng Sơn chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh |
Hàng ngày bà Nguyễn Thị Hồng, phường Đông Kinh vẫn đi bộ từ Mỹ Sơn đến Trường mầm non Liên Cơ để đưa, đón cháu đi học, theo bà, đó vừa là cách tập thể dục lại an toàn. Tuy nhiên có những chỗ vỉa hè vốn hẹp lại bị các hộ kinh doanh bày đủ thứ hàng hóa hoặc tận dụng làm nơi để xe, choán hết lối đi khiến nhiều lúc bà phải đi xuống lòng đường. Mặc dù biết như vậy là rất nguy hiểm song cũng không có cách nào khác. Thực tế khi tham gia giao thông, nhiều người vẫn lơ là với việc đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Vẫn có tình trạng người điều khiển phương tiện không nhường đường, dừng đỗ trên phần đường dành cho người đi bộ. Tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi để xe, kinh doanh của các hộ dân 2 bên đường diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là khu vực thành thị khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Cũng phải nói thêm rằng, hạ tầng giao thông dành cho người đi bộ trên địa bàn còn hạn chế, hệ thống vỉa hè, vạch kẻ dành cho người đi bộ chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực thành phố và một số tuyến giao lộ. Nhiều nơi, vạch sơn dành cho người đi bộ trong khu vực nội thị, có đèn tín hiệu đã bị mờ, các đơn vị quản lý chưa kịp thời duy tu nên khó nhận biết. Tại các huyện, chỉ khu vực nội thị mới có phần đường cho người đi bộ, song không phải huyện nào cũng bố trí được.
Cũng phải nói thêm rằng, bản thân người đi bộ cũng chưa ý thức hết được trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông. Nhiều người còn chưa nhận biết được phần đường dành cho mình nên thường băng qua đường theo cảm tính, không chấp hành các hiệu lệnh, biển báo trên đường. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ va chạm mà chính người đi đi bộ phải chịu nhiều thương tích. Theo Nghị định 71, về xử phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đối với người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt từ 60.000 đồng đến 120.000 đồng. Tuy nhiên khi được hỏi nhiều người vẫn ngơ ngác với quy định này. Theo cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, tuy đã có quy định xử phạt nhưng hiện nay, lực lượng chức năng mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn để người dân tự giác chấp hành.
Vừa qua, trong tuần lễ An toàn cho người đi bộ từ 8/5 – 12/5, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, lập biên bản xử lý 15 trường hợp dừng xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường với tổng số tiền phạt trên 6 triệu đồng. Cùng với đó, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông, các phương tiện thông tin truyền thông đã tuyên truyền sâu rộng, lực lượng chức năng tổ chức được hơn 10 buổi tuyên truyền, hướng dẫn người điều khiển phương tiện đi đúng làn đường, phần đường, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ và hướng dẫn người đi bộ chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông. Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng đến các trường học, khu dân cư để người dân nghiêm túc chấp hành, đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()