Đảm bảo an toàn bức xạ
Các lực lượng tham gia diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân tại Nhà máy xi măng Hồng Phong (Cao Lộc) |
Lạng sơn hiện có 5 nguồn phóng xạ và 4 thiết bị bức xạ phát tia X (không phải thiết bị X – quang chẩn đoán trong y tế) được lưu giữ tại các cơ sở. Các nguồn phóng xạ gồm: Cs – 137, sử dụng trong dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ cũ, hiện nay không còn sử dụng đang được lưu trữ tại Công ty Cổ phần ACC78; 2 nguồn phóng xạ Cs – 137 tại Công ty Cổ phần xi măng Lạng Sơn; 2 nguồn phóng xạ (Cs – 137 và Am – 241) nằm trong thiết bị đo độ ẩm, độ chặt của đất tại hiện trường tại Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng Lạng Sơn; 4 thiết bị phát tia X gồm: 1 máy phân tích huỳnh quang tia X để kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm của dây chuyền sản xuất xi măng tại Công ty Cổ phần xi măng Đồng Bành; 3 thiết bị phát tia X để kiểm tra hành lý xuất nhập khẩu đặt tại Chi cục Hải quan Ga Đồng Đăng và Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Toàn tỉnh có 54 thiết bị X-quang đang hoạt động trong các cơ sở y tế.
Trong các ngày từ 12-15/12/2016, cuộc diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp tỉnh được tổ chức tại Nhà máy xi măng Hồng Phong, huyện Cao Lộc. Cuộc diễn tập đặt ra tình huống giả định là nhà máy làm mất nguồn phóng xạ Cs 137. Trước nguy cơ chất phóng xạ Cs 137 có thể rò rỉ và phát tán ra ngoài môi trường gây nhiễm bẩn phóng xạ cho người tiếp xúc, cuộc diễn tập đã thực hiện các tình huống: phát hiện mất nguồn, kiểm tra và thu hồi nguồn phóng xạ tại hiện trường. Ông Nguyễn Thế Tích, cán bộ phụ trách an toàn bức xạ, hạt nhân, Nhà máy xi măng Hồng Phong cho biết: Qua diễn tập, chúng tôi nắm bắt được các quy trình giải quyết sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân để ứng phó kịp thời. Đặc biệt cuộc diễn tập giúp tôi và các đơn vị, cá nhân liên quan trong nhà máy nâng cao năng lực, sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình ứng phó sự cố nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân gây ra.
Ngoài diễn tập, những năm gần đây, Sở KH&CN đã chủ động, tăng cường kiểm tra các nguồn phóng xạ và thanh tra, kiểm tra chuyên đề việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ tại các cơ sở y tế trên địa bàn; tổ chức tập huấn về an toàn bức xạ… Riêng năm 2016, đơn vị kiểm tra 5/5 nguồn phóng xạ; thanh, kiểm tra đảm bảo an toàn bức xạ tại 19 cơ sở y tế với 29 thiết bị và 48 nhân viên bức xạ. Sở cũng hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh năng lượng nguyên tử; thực hiện thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho 18 thiết bị X-quang chẩn đoán y tế. Đồng thời phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở cho 13 đơn vị sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế. Sở phối hợp tập huấn về an toàn bức xạ cho 33 nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn bức xạ làm việc tại các cơ sở X-quang y tế và công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cấp 9 chứng chỉ nhân viên bức xạ.
Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn khẳng định: Qua sự chủ động ứng phó sự cố và đảm bảo an toàn bức xạ, đến nay, Lạng Sơn chưa có sự cố và mất an toàn về bức xạ, hạt nhân. Hiện tại, 5 nguồn phóng xạ tiếp tục được bảo vệ nghiêm ngặt; qua thanh, kiểm tra năm 2016, cả tỉnh có trên 72% cơ sở y tế và công nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ.
Ý kiến ()