Đảm bảo an ninh năng lượng theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững
Năng lượng là đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất, kinh doanh cũng như trong đời sống sinh hoạt, tiêu dùng đồng thời cũng là yếu tố động lực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo 2030, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng sẽ phải đổi mặt với nguy cơ thiết năng lượng trầm trọng.
Do đó, việc đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững là vô cùng cấp thiết.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo an toàn, hiệu quả, bền vững” diễn ra sáng 5/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong, Hà Nội, đông đảo các nhà quản lý và chuyên gia trong ngành đã thảo luận về việc quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ cùng như hướng phát triển năng lượng tái tạo hiện nay ở Việt Nam cũng như trong tương lai.
Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Khoa học Công nghệ và Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, hiện nay, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt ngày càng cạn kiệt. Mục tiêu Đảng, Chính phủ đề ra cho ngành năng lượng Việt Nam phấn đấu tới năm 2020 phải đạt được sản lượng điện 265 tỷ kWh và tới năm 2030 phải đạt được 570 tỷ kWh. Để cân đối mục tiêu này, từ nay tới năm 2020, trong vòng hơn 3 năm nữa phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng điện thiếu khoảng 100 tỷ kWh vào năm 2020 và thiếu khoảng 300 tỷ kWh vào năm 2030. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải tính toán để khai thác các tiềm năng các nguồn năng lượng trong nước còn có thể khai thác, đồng thời tìm các nguồn điện từ các nước trong khu vực cung cấp thêm điện cho Việt Nam, như từ Lào, Campuchia, Trung Quốc…
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam có tiềm năng về phát triển thủy điện khá lớn. Đây là tài nguyên quý giá, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý. “Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng vận hành khai thác các công trình thủy điện, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh đã loại bỏ 468 dự án, vị trí tiềm năng thủy điện do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động lớn đối với môi trường – xã hội…” – ông Vượng nhấn mạnh. “Bộ Công Thương cũng đã tăng cường giám sát, kiểm tra, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cập nhật phát triển thuỷ điện vừa và nhỏ an toàn hơn cũng như tập trung điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ giá, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo”.
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, việc thúc đẩy quá trình cải thiện hiệu quả sản xuất và sử dụng năng lượng thông qua thiết lập khung chính sách, đa dạng hóa các nguồn cung cấp đang được các nhà quản lý, các chuyên gia đặc biệt quan tâm. Trong đó, vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị để tránh phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài. “Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình cụ thể nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển năng lượng” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Theo Thứ trưởng Tùng, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ khai thác hợp lý nguồn thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ, khuyến khích nội địa và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đang cạn dần, Việt Nam cần nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo để thay thế, đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời, cần điều chỉnh cơ chế giá mua điện nhằm thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Mặc dù có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhưng một số địa phương như Bình Thuận (năng lượng mặt trời), Bình Định (năng lượng gió), các dự án phát triển năng lượng này vẫn chưa nhiều và chưa hiệu quả. Nguyên nhân được chỉ ra là suất đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam còn cao. Bên cạnh đó, cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời hiện mới chỉ áp dụng nên chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư.
Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, theo các đại biểu tại Hội thảo, Chính phủ cần tổ chức lập quy hoạch về phát triển năng lượng tái tạo; xác định giá trị đầu tư hợp lý cho các dự án; đồng thời có chủ trương xây dựng 1 – 2 khu công nghệ cao đối với việc sản xuất, chế tạo thiết bị năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo để giảm nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài. Còn về các địa phương có dự án năng lượng tái tạo cần tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có quỹ đất sạch. Tiếp đến, giá điện cần điều chỉnh ở mức hợp lý hơn, chẳng hạn như giá điện gió, điện sinh khối cần tăng lên. Ngoài ra, nhà đầu tư trong lĩnh vực này cần được miễn, giảm thuế để tăng tính khuyến khích; tổ chức nghiên cứu tiềm năng tổng thể, giao nhiệm vụ chỉ tiêu cho các đơn vị, doanh nghiệp lớn phát triển về năng lượng như ngành điện, dầu khí, than khoáng sản./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()