Đắk Lắk thúc đẩy các tổ hợp tác và hợp tác xã phát huy hiệu quả bền vững
Nhằm tiếp tục mở rộng và thúc đẩy các các tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) phát huy hiệu quả bền vững. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể như chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác.
Nhằm tiếp tục mở rộng và thúc đẩy các các tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) phát huy hiệu quả bền vững. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể như chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác.
Đồng thời, hỗ trợ mỗi hợp tác xã thành lập mới được hỗ trợ 8 triệu đồng, tổ hợp tác 1 triệu đồng. Đặc biệt, hàng năm tỉnh bố trí trên 2,3 tỷ đồng để hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đắk Lắk cũng thực hiện bão lãnh tín dụng cho các HTX được vay vốn tại các ngân hàng thương mại để mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Những HTX có các dự án đầu tư mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh thì được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước từ Quỹ Hỗ trợ phát triển. Từ nay đến năm 2015, Ngân sách tỉnh cũng bổ sung 20 tỷ đồng cho Quỹ hỗ trợ phát triển, với hình thức cho vay lãi suất ưu đãi, nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về vốn vay cho các HTX.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 6.321 tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX), với 124.704 thành viên tham gia; trong đó có 6.000 tổ hợp tác với 65.000 thành viên và 321 hợp tác xã với 59.704 xã viên. Việc phát triển các tổ hợp tác, HTX đã giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con xã viên và cộng đồng dân cư, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk, có trên 90% tổ hợp tác trên địa bàn đã được địa phương chứng thực hợp đồng hợp tác. Tổ hợp tác ở nông thôn phát triển dưới hình thức tổ liên kết và vay vốn, tổ tín dụng tiết kiệm (chiếm 91%). Vài năm trở lại đây, các vùng trọng điểm cà phê, rau đã hình thành nhiều tổ sản xuất, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp (sản xuất kinh doanh cà phê, rau, chăn nuôi cá, lợn, ong, bò…). Thành viên hầu hết là cá nhân, hộ gia đình đồng bào các dân tộc hoạt động dưới hình thức: chủ yếu không góp vốn mà chỉ góp sức, một số thì góp vốn bằng tiền hoặc tài sản để cùng nhau quản lý, sản xuất.
Cũng theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các HTX trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; quy mô hợp tác xã được mở rộng, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng lên. Cụ thể, chỉ riêng đối với HTX nông nghiệp có vốn điều lệ hiện là 708 triệu đồng/hợp tác xã, tăng 56,6% so với năm 2008; lợi nhuận bình quân của hợp tác xã hiện nay là 92,26 triệu đồng, tăng 82,69%; thu nhập bình quân/năm của một lao động là 11,8 triệu đồng, tăng 38,8% so với năm 2008. Nhiều hợp tác xã sản xuất cà phê, nấm, vận tải… ở vùng sâu, vùng xa của các huyện Krông Pắk, Cư M’gar, Krông Năng, Ea Kar và thành phố Buôn Ma Thuột có thu nhập bình quân/năm của một lao động từ 25 – 30 triệu đồng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()