Đắk Lắk sẵn sàng cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6
Sáng 6/3, tại TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), đã diễn ra buổi họp báo về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức.
Theo đại diện Ban tổ chức Lễ hội, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 có chủ đề “Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển”; sẽ diễn ra từ ngày 8/3 đến 13/3/2017 tại TP.Buôn Ma Thuột và một số huyện của tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, có 10 chương trình cụ thể trong 3 chương trình lớn, trọng tâm gồm: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4. Riêng chương trình khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ 00, ngày 10/3/2017 tại Quảng trường 10/3, TP.Buôn Ma Thuột và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, VTV5, VTV8 của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh Tây Nguyên.
Trong 10 chương trình cụ thể của Lễ hội lần này ngoài 3 chương trình lớn trên, đáng chú ý còn có chuỗi các sự kiện lớn khác như: Hội chợ, triển lãm chuyên ngành cà phê có 234 đơn vị đăng ký tham gia, gồm 735 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; trưng bày chuyên đề lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên, lịch sử đồn điền cà phê CADA; hội thảo về cà phê… Đặc biệt, Lễ hội lần này còn có trên 800 nghệ nhân, diễn viên, nông dân sản xuất giỏi của các tỉnh Tây Nguyên tham gia Lễ hội đường phố, đêm hội vào mùa, đêm hội diễn tấu cồng chiêng…
Ban tổ chức Lễ hội cho biết, Lễ hội lần này được tổ chức nhằm quảng bá thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột”, khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới; nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào năm 2005, được chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2008.
Thông qua Lễ hội cũng nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và mời gọi những dự án đầu tư, thương mại, du lịch lớn trên địa bàn của các tỉnh Tây Nguyên./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()