Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cách mạng Bắc Kạn
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn (24-8-1949 / 24-8-2024), kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 / 25-8-2024), nhóm tác giả Kim Kim, Thép Nghiêm và Hoàng Giang đã thực hiện cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cách mạng Bắc Kạn” do Nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 8-2024.
Trong suốt hơn 150 trang sách là 16 bài viết của các tác giả với những tư liệu, câu chuyện được nhóm tác giả ghi lại về quá trình hoạt động cách mạng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những dấu chân Đại tướng để lại trên mỗi miền đất của Bắc Kạn như: Ngân Sơn, Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông, những bản làng xa xôi dưới tán cây chở che của núi rừng Phja Bjoóc (được Đại tướng đặt tên là núi Cứu Quốc) đều ghi dấu bao câu chuyện xúc động về tinh thần hoạt động cách mạng quả cảm, thấm đẫm tình đồng bào, đồng chí.
Năm 1942, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp về Nguyên Bình, Cao Bằng củng cố và phát triển phong trào Việt Minh, mở rộng căn cứ Cao Bằng-Bắc Kạn-Lạng Sơn; đồng thời mở con đường phát triển phong trào cách mạng về vùng xuôi.
Năm 1943, Đại tướng xây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Ngân Sơn, vừa chỉ đạo tổ chức các đội xung phong Nam tiến (quyết định của Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng về công tác Nam tiến), vừa tranh thủ mở các lớp huấn luyện cấp tốc cho các đội viên về phương hướng, nhiệm vụ mở đường, từ phương pháp giáo dục chính trị đến những kinh nghiệm cụ thể về tôn trọng phong tục, tập quán của bà con dân bản.
Bài viết “Thành lập chính quyền cách mạng châu Chợ Rã” kể về sự ra đời của chính quyền cách mạng châu Chợ Rã (năm 1945), để lại nhiều bài học quý về việc tuyên truyền, vận động, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cách mạng cũng như xây dựng các tổ chức chính trị, xây dựng LLVT địa phương; sự kiện quan trọng này gắn liền với công lao của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Trong bài viết còn có những lát cắt về vẻ đẹp của Bắc Kạn, sự giao hòa giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, thắm tình quân dân: “... Sáng hôm sau, đồng chí Võ Nguyên Giáp dậy sớm, chuyển vào một làng ven hồ. Mặt trời đỏ thắm nhô dần lên khỏi mặt nước. Một đoàn thuyền độc mộc chở bộ đội nối theo nhau lướt trong gió lạnh ban mai. Ông thấy rõ ràng mình đang đi giữa một kỳ quan của thiên nhiên. Đồng bào đang quăng chài, kéo lưới, đều ngừng làm việc để nhìn bộ đội đi qua. Mấy chị người Tày đem những con cá tươi vừa đánh được, tặng bộ đội”.
Trải qua bao nhiêu năm đấu tranh, xây dựng quê hương, đất nước, tình cảm của đồng chí Võ Nguyên Giáp với nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn càng thêm gắn bó, thủy chung. Đối với nhân dân Bắc Kạn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một vị tướng lỗi lạc, kính yêu mà còn luôn gần gũi như một người con của quê hương. Trong bài viết “Đồng chí Võ Nguyên Giáp xây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Ngân Sơn” nhắc đến việc Đại tướng quyết định thành lập “Đội xung kích Minh Khai” (năm 1942) và chủ trì thành lập Chi bộ Chí Kiên (năm 1943) tại Bản Duồm, Thượng Ân, Ngân Sơn.
Lật từng trang sách, người đọc như được sống lại và bước vào cuộc hành trình gian khó nhưng vô cùng đoàn kết của nhân dân ta. Đối với quân và dân Bắc Kạn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp thành lập và dẫn dắt chính quyền cách mạng non trẻ của Bắc Kạn từng bước đi tới thắng lợi, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cách mạng Bắc Kạn” mang đến cho bạn đọc những hình dung rõ hơn về chân dung của vị tướng tài ba từ nhân cách đến tài thao lược trong quân sự. Đồng thời thể hiện được những cung bậc tình cảm, sự ngưỡng mộ, tôn kính của quân và dân Bắc Kạn dành cho Đại tướng.
Ý kiến ()