Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đường mòn Hồ Chí Minh
Ngoài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người ra lệnh mở đường mòn Hồ Chí Minh, tuyến đường hậu cần chiến lược khiến Mỹ phải thất bại khi can thiệp vào Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh thời. Ảnh: AFP. |
Bà Virginia Morris là phóng viên nước ngoài đầu tiên đi hết con đường này từ điểm đầu ở làng Lát, Tân Kỳ, vượt đèo Mụ Giạ sang Lào, qua đường 9, đến Muong Nong, Saravane, Sekong, về ngã ba Đông Dương và kết thúc tại Chơn Thành, cách thành phố Hồ Chí Minh chưa đầy 70 km. Hành trình của bà Morris, chủ yếu là đi bộ, đã thuyết phục được Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho bà một cuộc phỏng vấn.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn Đại tướng, được bà Morris thuật lại trong cuốn “Lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh – Con đường đến Tự do”, xuất bản lần đầu năm 2006.
“Tại sao chúng tôi lại xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh? Vì người Mỹ tấn công chúng tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán được chiến tranh sẽ kéo dài, nhưng chúng tôi nhất định sẽ thắng.
Quân đội non trẻ của chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là từ trận Điện Biên Phủ. Một trong những bài học đó chính là vai trò cực kỳ quan trọng của hậu cần. Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã biết Mỹ, với chiến lược “Phản ứng linh hoạt”, trước sau rồi cũng sẽ đưa quân vào Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi phải tính kế lâu dài. Tôi biết rằng, nếu muốn thắng, chúng tôi phải mở rộng mặt trận của cuộc chiến tranh du kích lúc đó, phải đánh những trận lớn hơn. Tháng 5/1959, tôi ra lệnh mở đường mòn Hồ Chí Minh.
Ban đầu, tuyến đường chỉ có đường đi bộ, sau đó mới được mở rộng. Để ngụy trang và có rau ăn, chúng tôi trồng những cây leo dọc theo hàng rào hai bên đường đan thành vòm. Tôi đã học được điều này từ Điện Biên Phủ.
Khi đường Đông Trường Sơn bị chặn đứng, tôi đã ra lệnh mở đường Tây Trường Sơn. Vùng này toàn những dốc đá tai mèo dựng đứng. Lần đầu tiên anh em báo lại, không thể làm được. Lần thứ hai anh em báo lại quá nhiều núi và đá. Lần thứ ba, tôi ra lệnh cắt đá mà đi. Con đường chạy sang Lào qua Tà Lê. Tôi đã đứng đó khi mở cửa khẩu Tà Lê.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh miền Nam và Tư lệnh trưởng Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên bàn kế hoạch tác chiến, chuẩn bị chiến dịch Đường 9 Nam Lào tại một cánh rừng Trường Sơn năm 1971. Ảnh: Sách ảnh “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”. |
Từ đây con đường được mở sang phía tây, sang nước bạn. Cũng từ đây, bài hát: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” xuất hiện. Bài hát thật hay và giữ vững tinh thần của những người mở đường, trong điều kiện máy bay Mỹ ném bom 23/24 giờ mỗi ngày. Tôi đã gặp những đại đội công binh toàn các chị em gái, làm nhiệm vụ lấp hố bom và phá bom nổ chậm. Tôi từng rơi nước mắt khi chứng kiến điều kiện sống cực kỳ kham khổ của họ. Tôi có nhiều những kỷ niệm đau thương như vậy.
Từ Tà Lê, tôi đi về phía nam theo đường Trường Sơn Tây. Chúng tôi tranh luận rất nhiều về việc chỉ mở đường đi bộ hay sẽ mở đường cho xe cơ giới vì lúc đó mới chỉ có bộ đội hành quân với ba lô trên vai.
Tôi đã ra lệnh mở đường cho xe tải. Ngay cả sau khi có đường, cũng vẫn còn có ý kiến lưỡng lự có nên đưa xe tải vào hoạt động không vì không quân Mỹ có rất nhiều loại vũ khí mới để tiêu diệt xe tải. Và quan trọng hơn nữa là xe tải cần xăng. Tôi đã bổ nhiệm một đồng chí làm tư lệnh bảo đảm việc vận chuyển xăng dọc đường Hồ Chí Minh. Đó là một dự án ghê gớm!
Trong một lần sang Nga để xin viện trợ pháo cao xạ và tên lửa, nguyên soái Andrei Antonovich Grechko đã hỏi: “Tôi đã xem kỹ các tấm ảnh đường mòn mà đồng chí đưa. Tôi chẳng thấy xe cộ đâu cả, chỉ thấy voi”.
Tôi trả lời rằng, đường mà các đồng chí thấy có voi là đường để ngụy trang, đường thật được giấu trong rừng già.
Sau khi được trang bị vũ khí phòng không, con đường tiếp tục đi sâu vào rừng rậm Lào đến Atopo. Tôi đến gần Atopo và ra lệnh mở đường xuyên cao nguyên Bolaven, đang là vùng tranh chấp ác liệt.
Nhiều nhà nghiên cứu quân sự kết luận rằng một trong những lý do chính khiến Mỹ thất bại ở Việt Nam là do không thể chặn con đường tiếp tế từ bắc vào nam. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara trong cuốn hồi ký của ông phải thừa nhận rằng, dù đã sử dụng tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như máy bay ném bom B52, hàng rào điện tử hay chất diệt cỏ, bom napalm, quân đội Mỹ vẫn không thể bóp nghẹt Đường mòn Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là một con đường mà còn là công trình xây dựng kỳ vĩ trong lịch sử quân sự của loài người với hơn 20.000 km đường ngang dọc. Khoảng 20.000 chiến sĩ đã hy sinh, 6.000 người còn mất tích và hơn 30.000 người bị thương nặng để giữ cho tuyến đường luôn thông suốt dưới những trận mưa bom của không quân Mỹ. |
Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, có những lúc con đường bị phong tỏa hoàn toàn. Có những ý kiến là Việt Nam chỉ có thể tiến hành chiến tranh du kích tại chỗ, không thể thực hiện tấn công trực diện được. Tôi không tin vào điều đó, chỉ có thể kết thúc chiến tranh bằng cuộc chiến thông thường, và đã ra lệnh mở đường bằng mọi giá. Cuối cùng, khi con đường chạm đến cửa ngõ Sài Gòn ở Lộc Ninh, chúng tôi đã sẵn sàng để chiến thắng.
Các kỹ sư của đường Trường Sơn rất khéo léo và chịu nhiều hy sinh. Trong đó có rất nhiều các cô gái, đang tuổi lớn. Họ hy sinh cả tuổi thanh xuân cho con đường. Và khi trở về họ không còn trẻ như cô (tác giả Virginia) nữa.
Để biết tại sao họ lại mạnh mẽ như thế, cô phải nghe các bài hát. Họ đã tìm thấy niềm tin vào thắng lợi cuối cùng, tìm thấy sức mạnh để vượt qua những hy sinh khủng khiếp cho sự nghiệp thống nhất đất nước, trong giai điệu và ca từ của những bài hát ấy. Rất nhiều lần, tôi đã khóc khi nghe lại những bài hát và nghĩ về Trường Sơn.
Tôi cảm ơn cô rất nhiều đã đến thăm đất nước chúng tôi và đi dọc đường Trường Sơn. Điều đó sẽ giúp cho thế giới hiểu rằng không có gì quý hơn độc lập tự do và không thế lực nào có thể tước đi quyền của một dân tộc được độc lập. Mặc dù tình hình thế giới đang rất phức tạp, tôi tin rằng hòa bình sẽ chiến thắng và tất cả loài người sẽ được tự do và hạnh phúc”
“Thưa Đại tướng, tôi không nghĩ rằng tôi có thể chiến đấu trong điều kiện như vậy”, Virginia Morris nói, nhớ lại những điều kiện kham khổ bà đã trải qua trên đường.
“Tôi tin rằng nếu lúc đó cô là một cô gái Việt Nam, cô sẽ lên đường đi Trường Sơn”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời.
Theo VnExpress
Ý kiến ()