Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thủy thủ đặc biệt” của Đoàn tàu Không số
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “linh hồn” của Đoàn tàu Không số, bởi Đại tướng là người trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên, cổ vũ cán bộ, thủy thủ trong suốt những năm tháng chiến đấu đầy hy sinh gian khổ và vô cùng vẻ vang. Đó là lời khẳng định của nhiều cựu chiến binh từng theo tàu vượt biển đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam cho đồng bào đánh giặc.
Quyết định mở đường chiến lược
Ông Phan Thắng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125 Hải quân (Đoàn tàu Không số) đã khẳng định với chúng tôi: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ra lệnh mở đường vận tải trên biển từ năm 1959 mà sau này thường gọi “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Những con tàu không số suốt 14 năm thu hút tâm trí của ông. Đó cũng là một sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ quân sự thiên tài Võ Nguyên Giáp, của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sở dĩ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đi đầu ủng hộ quyết định mở đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam trên biển vì trong kháng chiến chống Pháp ông đã từng chứng kiến, năm 1946, từ cửa sông Hàm Luông, Bến Tre, một chiếc thuyền buồm nhỏ đã nhổ neo vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí cho miền Nam đánh Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta từng tổ chức những con thuyền vượt biển để chuyên chở vũ khí từ Khu 5, miền Bắc, từ Thái Lan, Campuchia vào chi viện cho Nam Bộ đánh giặc…
Từ thực tế đó, Đại tướng đã nhận ra lợi thế và hiệu quả của đường biển. Vì thế, tháng 7-1959, Đại tướng cùng Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603 làm nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam, mang biệt danh “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, đóng quân ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giao nhiệm vụ cho Đoàn tàu Không số tại bến K20, Hải Phòng. Ảnh tư liệu
Ngay khi thành lập, Đại tướng đã căn dặn: “Việc mở đường không được ai biết… Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một tang chứng làm hỏng việc lớn… Phải dốc sức chi viện cho miền Nam, nhất là Nam Bộ và Khu 5 về cán bộ, phương tiện vật chất, chủ yếu là vũ khí, khí tài quân sự, thuốc men, để anh em chiến đấu…”.
Lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngắn gọn nhưng hết sức cần thiết và quý báu. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đúng là chỉ một sơ suất nhỏ có thể gây tai họa lớn. Đặc biệt sau thất bại của chuyến tàu chở 5 tấn vũ khí đầu tiên của Tiểu đoàn 603, Đại tướng trăn trở rất nhiều, ông đã thay mặt Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu ngừng ngay hoạt động của “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” để nghiên cứu phương thức hoạt động mới.
Trung tuần tháng 8-1962, Thường vụ Quân ủy Trung ương họp, chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Sau khi nghe đồng chí Trần Văn Trà, Phó tổng Tham mưu trưởng báo cáo tóm tắt về công tác chuẩn bị cho hoạt động của con đường vận tải chiến lược trên biển, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liền hỏi: “Liệu có thể đảm bảo chắc chắn được 50% những chuyến đi không?”. Đồng chí Trần Văn Trà trả lời: Đạt 100% thì khó chứ 50% chắc được. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị nói: “Chỉ cần nửa số chuyến đi vào được bến cũng đã là thắng lợi rồi”. Nghe vậy, tất cả các đồng chí trong Thường trực Quân ủy Trung ương đều tán thành. Nghị quyết chính thức được thông qua. Từ đây lịch sử ghi thêm một nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, bổ sung làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật đánh giặc giữ nước của ông cha ta trong thời đại mới về con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.
Theo dõi, chỉ đạo sát con tàu vượt biển
23 giờ 30 phút ngày 11-10-1962, chiếc tàu 41 (vỏ gỗ) thực hiện chuyến đi đầu tiên được gọi là Tàu Phương Đông 1 cùng với 13 cán bộ, đảng viên do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, chở gần 30 tấn vũ khí rời bến Vạn Sét, thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng đi Cà Mau.
Từ khi tàu rời bến ra khơi, các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương lúc nào cũng quan tâm, lo lắng con tàu đang thực hiện cuộc thử thách mở đầu cho những chuyến đi tiếp sau. Kế hoạch dự kiến đi trong 5 ngày thì đến, nhưng mới được 1 ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hỏi Phó cục trưởng tác chiến Đồng Văn Cống: Thế nào rồi? Có tin tức gì không? Và sau đó, sáng nào đến giờ giao ban, Đại tướng cũng hỏi lại đồng chí Cống như thế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Đoàn tàu không số tại Cảng Bính Đông, Hải Phòng năm 1970. Ảnh tư liệu |
Vượt qua muôn trùng sóng gió, tàu Phương Đông 1 đã cập bến Vàm Lũng (Càu Mau) an toàn, đưa được 30 tấn vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc. Sáng 19-10, tức là ngày thứ 9 kể từ khi con tàu rời bến, Quân ủy Trung ương đang họp giao ban ở Nhà khách 28 Cửa Đông-Hà Nội thì nhận được điện khẩn của đồng chí Phạm Thái Bường, Bí thư Khu ủy Khu 9: “Tàu Lê Văn Một, Bông Văn Dĩa đã đến nơi. An toàn, đầy đủ. Các đồng chí trên tàu đều khỏe mạnh”.
Đọc xong điện do Phó cục trưởng tác chiến Đồng Văn Cống chuyển đến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng dậy ôm chầm lấy đồng chí Cống. Hai mắt của Đại tướng nhòa lệ. Ngay sau đó, đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương đề nghị hội nghị giải lao, liên hoan nhẹ mừng thắng lợi đầu tiên này…
Tính ra theo đường biển, tàu chở được gần 30 tấn vũ khí, đủ trang bị cho 1 tiểu đoàn. Tàu chạy trong 9 ngày với 13 cán bộ, chiến sĩ lợi hơn gấp bao nhiêu lần đường bộ, bằng 1.500 người gùi, thồ đi liên tục trong 6 tháng không kể những khó khăn trở ngại và công tác bảo đảm trên đường Trường Sơn mà ta đã tiến hành xây dựng trong những năm qua.
Sau chuyến đi mở đường thắng lợi, Bộ tư lệnh Hải quân đã mạnh dạn đề xuất với Đại tướng và Quân ủy Trung ương “mở bến vận chuyển vũ khí vào Khu V”. Trực tiếp nghe báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc nhở: “Đường biển là con đường duy nhất có thể chi viện cho Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy nên phải giữ cho được bí mật con đường đó. Phải kiểm tra thật kỹ, nắm chắc từng chuyến đi. Không để có một sai sót nhỏ đáng tiếc khiến kẻ địch nghi ngờ”.
Đại tá Trịnh Tuần, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Hải quân cho biết: Mỗi chuyến đi của Đoàn tàu Không số, mỗi bến đỗ khi tàu vào thành công hay chưa thành công… đều được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan tâm và chỉ đạo sát sao, cụ thể và sáng suốt. Chẳng hạn: Khi tàu C401 cập bến Lộ Giao (có sách ghi Lộ Riêu thuộc Bình Định) đêm 31-10-1964 hàng được bốc dỡ an toàn, nhưng để giữ được bí mật, anh em phải hủy tàu. Khi nghe báo cáo, Đại tướng đã chỉ thị không sử dụng bến Lộ Giao nữa, đồng thời cho theo dõi động thái của địch ở khu vực này xem chúng có phát hiện được ý đồ của ta không và tìm cách đưa hàng vào bến mới ở Phú Yên. Cùng thời gian này, Đại tướng đã đồng ý cho Hải quân triển khai phương án đưa tàu vào Vũng Rô mở thêm một bến mới quan trọng chi viện cho chiến trường Khu V.
Đầu năm 1970, nhân dịp Tết Canh Tuất, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và chúc Tết. Đại tướng biểu dương khen ngợi những thành tích, chiến công mà Đoàn đã giành được và căn dặn cán bộ, chiến sĩ ra sức rèn luyện, đề cao cảnh giác, giữ gìn bí mật, thường xuyên rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến công tác và theo dõi nắm tình hình địch để tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới.
Lời dặn dò của Đại tướng đã trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu Không số tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho.
Ý kiến ()