Đại tướng trong tim người xứ Lạng
Những ngày này, quân dân các dân tộc Lạng Sơn bồi hồi hướng về Hà Nội, tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã gắn bó, mật thiết với các cuộc kháng chiến nơi địa đầu Tổ quốc.
Những ngày này, quân dân các dân tộc Lạng Sơn bồi hồi hướng về Hà Nội, tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã gắn bó, mật thiết với các cuộc kháng chiến nơi địa đầu Tổ quốc.
*Bài học về công tác dân vận
Tại khu căn cứ địa Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn), ông Dương Minh Thuận, Phó Bí thư huyện uỷ Bắc Sơn bồi hồi, xúc động cho biết: Sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra vào ngày 27/9/1940, đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, quê hương Bắc Sơn trở thành địa bàn hoạt động cách mạng của Đảng ta. Nhiều hộ dân (trong đó có gia đình ông Nam Tiến, bố của ông Thuận), đã nuôi giấu các cán bộ cấp cao như Bác Hồ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp. Cũng tại đây, để chuẩn bị cho chiến dịch Đông Khê năm 1950, Bộ Tư lệnh mặt trận Biên giới (tức Liên khu Việt Bắc) tổ chức huấn luyện quân sự, diễn tập, đắp sa bàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên chỉ đạo quân đội làm tốt công tác dân vận, “ba cùng” với nhân dân. Sau này, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết các tác phẩm “Khu Giải Phóng”, “Kinh nghiệm Việt Minh ở Việt Bắc”, coi trọng yếu tố vận động chính trị quần chúng, tiến lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển thông điệp hoà bình tại cửa khẩu Hữu Nghị (tháng 9/1990) (ảnh Tư liệu)
Theo ông Thuận, năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm Khởi nhĩa Bắc Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về dự Lễ. Ai cũng vui mừng được gặp lại Đại tướng và nhớ từng lời nói chuyện của Người. Đại tướng nhấn mạnh: “ Ngày đó, chỉ trong 10 tiếng đồng hồ mà vận động được trên 600 người dân Bắc Sơn với vài khẩu súng trường, ít súng kíp, còn lại là gậy gộc, giáo mác mà dám xông lên đồn giặc, đánh giặc. Lúc bấy giờ chắc chắn họ không nghĩ đến cái chết, đến chức tước ghế ngồi, vai vế trong chính quyền hay trong quân đội sau khi đã chiến thắng, cái lợi ích mà họ cảm nhận là độc lập tự do, là dân tộc được giải phóng khỏi ách nô lệ của thực dân phong kiến. Động cơ, lợi ích ấy thật trong sáng đẹp đẽ và cao quý. Nó sẽ mãi mãi trường tồn như một giá trị tinh thần của “thế hệ khởi nghĩa Bắc Sơn” trao cho con cháu”.
“Nghe tin đại tướng từ trần, mọi người ai cũng tiếc thương. Ngày 9/10, huyện Bắc Sơn đã cử một đoàn đại biểu về Hà Nội viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Ông Dương Minh Thuận nói.
Thầy giáo Nguyễn Lê Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc, TP Lạng Sơn cho biết: Ông và những người thân vừa trở về từ Hà Nội sau khi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng, số 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội. Thầy Minh kể lại: ‘Ngôi trường Việt Bắc vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên. Ngày 29/9/1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm trường. Đại tướng đã gặp gỡ các thầy cô giáo, nói chuyện với các em học sinh. Đại tướng căn dặn ngành giáo dục tỉnh nhà cần quan tâm đến việc dạy chữ, rèn người ở quê hương xứ Lạng. Đại tướng đặc biệt lưu ý Trường Việt Bắc sát sao, giúp đỡ học sinh nghèo, người dân tộc thiểu số, cần có một khuôn viên nhà trường xanh, sạch, đẹp để các em có chỗ vui chơi, trao đổi học tập, cùng nhau tiến bộ.
*Đại tướng của Hoà bình
Trong ngôi đền cổ Cửa Đông bên dòng sông Kỳ Cùng (thuộc phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn), Đại tá Lê Đình Thi, nguyên Phó chỉ huy trưởng chính trị- Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn trầm lặng, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.
Ông Thi khi về hưu, được cấp uỷ, chính quyền địa phương giao trọng trách là một thành viên trong Ban trị sự đền Cửa Đông. Trước khi diễn ra Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Thi đề nghị cho thỉnh một hồi chuông, rồi kể cho chúng tôi nghe về sự kiện đón Đại tướng và đoàn thể thao Việt Nam dự Asiad-90 về nước tại cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn).
Ngày ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là khách mời đặc biệt của chính phủ Trung Quốc, nhân Lễ khai mạc Á vận hội (Asiad 90), diễn ra tại Trung Quốc. Ngày 28/9/1990, Đại tướng trở về nước, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã đến tận km số 0, giáp biên giới Việt- Trung đón chào. Tay bắt, mặt mừng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong muốn đồng bào ổn định cuộc sống, giữ vững biên cương, vun đắp tình hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc ngày càng bền chặt.
Sau khi có buổi nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh Lạng Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm lực lượng Biên phòng tỉnh. Ông Lê Đình Thi cho biết: Trong suốt thời gian gặp gỡ, Đại tướng nhắc nhiều về thời gian hoạt động cách mạng tại xứ Lạng, những kỷ niệm đối với lực lượng vũ trang tỉnh Lạng Sơn. Đại tướng căn dặn những người lính mang quân hàm xanh thường xuyên luyện rèn, nâng cao trình độ, vững chắc cây súng, khôn khéo trong mọi tình huống, sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
“Khi nhận được túi quà của cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Lạng Sơn là 10 kg quả hồng Bảo Lâm (huyện Cao Lộc), Đại tướng và phu nhân rất vui mừng. Đại tướng bảo, đây là đặc sản, hồng không hạt do người Tày, Nùng vùng biên giới trồng, rất đáng quý. Đại tướng mong người dân no đủ, sung túc, mong biên cương vững bền, ngọt ngào như chính quả hồng quê hương”.
Nguyễn Duy Chiến
Ý kiến ()