Đại tướng Phan Văn Giang làm việc với Học viện Kỹ thuật Quân sự
Ngày 12-4, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Quốc phòng tới kiểm tra và làm việc với Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Tham gia đoàn công tác có Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng; đại diện các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Phan Văn Giang và đoàn công tác thăm Nhà truyền thống Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Trước 7 giờ sáng, đồng chí Bộ trưởng và đoàn công tác bắt đầu làm việc với Học viện Kỹ thuật Quân sự. Khác với những lần kiểm tra ở một số học viện, nhà trường gần đây, thành phần đoàn công tác lần này có lãnh đạo, chỉ huy một số đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục-đào tạo của Học viện Kỹ thuật Quân sự, như: Quân chủng Phòng không-Không quân; Quân chủng Hải quân; Bộ tư lệnh 86; các binh chủng: Thông tin liên lạc, Pháo binh, Tăng thiết giáp, Công binh.
Để buổi làm việc bảo đảm thực chất, hiệu quả, đồng chí Bộ trưởng yêu cầu đoàn công tác trên các hướng được phân công, tiến hành kiểm tra kỹ, chấn chỉnh kịp thời và đề ra các giải pháp cụ thể, sát thực để giúp học viện nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học hơn nữa trong thời gian tới.
Đại tướng Phan Văn Giang tham quan một số sản phẩm nghiên cứu khoa học của học viện. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Buổi sáng, Đại tướng Phan Văn Giang dành thời gian tham quan, kiểm tra kết quả nghiên cứu khoa học, các sản phẩm khoa học của học viện. Tại khu vực trưng bày sản phẩm “Súng bắn hai môi trường”, sau khi Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng, giảng viên Bộ môn Vũ khí, Khoa Vũ khí, báo cáo cấu tạo, tính năng kỹ thuật, chiến thuật của súng, đồng chí Bộ trưởng đưa tay kéo khóa nòng với động tác mạnh, dứt khoát, nghiêng mặt súng xem các chi tiết rồi đề nghị nhóm đề tài cần nghiên cứu chỉnh sửa một số cấu tạo của súng để người dùng dễ sử dụng.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác kiểm tra buổi huấn luyện kiểm tra vũ khí trang bị buổi sáng trên tổ hợp pháo AK230. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Kiểm tra hoạt động của mô phỏng bán tự nhiên đài điều khiển tên lửa S300-PMU1; hệ thống dẫn đường quán tính cho tàu hải quân sử dụng công nghệ cảm biến sợi quang; tham quan kíp chiến đấu của Khoa Kỹ thuật điều khiển, huấn luyện kiểm tra vũ khí trang bị buổi sáng trên tổ hợp pháo AK230, đồng chí Bộ trưởng bày tỏ hài lòng và chỉ ra một số lưu ý cần khắc phục để bảo đảm sát thực tế chiến đấu.
Nói chuyện với các cán bộ, kỹ sư, Đại tướng Phan Văn Giang ví von, để xây dựng các mô phỏng bán tự nhiên giống với khí tài thật, cần phải mổ xẻ, nghiên cứu kỹ cấu tạo, chức năng hoạt động của khí tài như bác sĩ hội chẩn một ca phẫu thuật phức tạp.
Đại tướng Phan Văn Giang dành nhiều thời gian đến các lớp kiểm tra công tác dạy và học của giảng viên, học viên. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Trong buổi sáng, Đại tướng Phan Văn Giang dành nhiều thời gian đến các lớp kiểm tra công tác dạy và học của giảng viên, học viên. Sau vài chục phút dự giảng trên lớp Ô tô quân sự 1,2 K54, với nội dung: Kiểm tra, chẩn đoán, bảo dưỡng hệ thống cung cấp nhiên liệu động cơ xăng, do Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Dũng lên lớp, đồng chí Bộ trưởng cho rằng, giảng viên cần xây dựng đồ họa 3D giúp học viên trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Quá trình giảng, thầy phải lấy ví dụ để minh họa cụ thể. Với kiến thức sâu rộng, Đại tướng Phan Văn Giang nêu một số loại xe quân sự sử dụng bơm xăng khi chạy với vận tốc cao, màng bơm dễ bị giãn và chùng làm giảm thể tích hút, đẩy và cách khắc phục hiện tượng này.
Phong cách gần gũi, đến lớp học nào, đồng chí Bộ trưởng cũng hỏi: “Đồng chí nào có ý kiến gì với tôi không?”. Tại lớp Thông tin K53, một học viên nữ đứng dậy, dõng dạc: “Báo cáo Bộ trưởng tôi xin có ý kiến. Tôi là Nguyễn Thị Khánh Linh, học viên lớp Thông tin K53. Tôi vinh dự là một trong 36 Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân năm 2021, hôm Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị, tôi bị nhiễm Covid-19 nên không được chụp ảnh với Bộ trưởng, giờ tôi xin chụp với Bộ trưởng kiểu ảnh được không ạ!”. Bộ trưởng Phan Văn Giang nở nụ cười tươi rồi lần lượt từng học viên đứng bên cạnh Bộ trưởng.
Tại lớp An ninh hệ thống thông tin và Bảo đảm an toàn thông tin, sau khi dự giảng bài: “Chiến tranh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, do Thượng tá Nguyễn Hồng Ký trình bày, Đại tướng Phan Văn Giang dành hơn 20 phút phân tích làm rõ các nội dung trong bài: Mục tiêu chiến tranh; không gian chiến tranh; thời gian chiến tranh. Mỗi nội dung Đại tướng đều lấy ví dụ thực tiễn sinh động. Với bài giảng này, đồng chí Bộ trưởng yêu cầu giảng viên khi lên lớp phải có hình ảnh, trình chiếu; quá trình giảng bài phải gắn với các chiến lệ, nhất là trong những ngày tháng Tư lịch sử này có nhiều sự kiện lịch sử nổi bật để gắn vào bài giảng.
Với tác phong sâu sát, gần gũi, cụ thể, kiểm tra ở nơi đâu Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng chỉ rõ những vấn đề cần lưu ý để nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, vào dự giảng ở các lớp tiếng Anh, tiếng Nga, đồng chí Bộ trưởng đều sử dụng ngoại ngữ để đối thoại với giảng viên, học viên. Đến các lớp có học viên nước bạn Lào, Campuchia, Bộ trưởng ân cần hỏi han, động viên và nhắc lại những kỷ niệm khi đến đất nước Triệu Voi và đất nước có nền văn hóa Angkor Wat nổi tiếng.
Đại tướng Phan Văn Giang kiểm tra và ân cần hỏi thăm, động viên học viên nước bạn Lào, Campuchia đang học tập tại Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Trong buổi làm việc diễn ra chiều cùng ngày, Trung tướng Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự đã báo cáo với Đại tướng Phan Văn Giang và đoàn công tác Bộ Quốc phòng kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của học viện. Theo đó, học viện đang triển khai đào tạo 43 chuyên ngành thuộc các ngành đào tạo kỹ sư quân sự; kỹ sư liên thông, văn bằng; đào tạo tiên tiến Việt-Nga; các chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Thực hiện chủ trương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, học viện đã tích cực rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung và xây dựng chương trình đào tạo mới, mở mới các mã ngành đào tạo, bảo đảm bám sát yêu cầu thực tiễn của đơn vị, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiêu chí của trường đại học nghiên cứu.
Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo Chỉ thị 89 của Bộ Quốc phòng. Hoạt động khoa học công nghệ luôn bám sát định hướng khoa học công nghệ, các hướng hiện đại hóa, chương trình, dự án lớn của quân đội và Nhà nước. Năm 2021, Học viện chủ trì mở mới 126 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ (trong đó có 9 đề tài cấp quốc gia, 8 đề tài cấp bộ và tương đương); hiện đang triển khai thực hiện 261 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp.
Hơn 78,30% giảng viên có trình độ sau đại học; nhiều bộ môn trên 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Cơ sở kỹ thuật cơ bản đáp ứng nhiệm vụ đào tạo của học viện và được bổ sung nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, sản xuất chế thử, đã góp phần tích cực nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, năng lực sản xuất chế thử cho học viện.
Phát biểu trước hơn 200 cán bộ, giảng viên của Học viên Kỹ thuật Quân sự, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định học viện có bề dày truyền thống, đặc biệt là thế mạnh trên lĩnh vực khoa học cả dân sự và quân sự. Truyền thống đó đang được cán bộ, giảng viên, học viên học viện tiếp nối và phát huy, giành được nhiều thành tích nổi bật. Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Học viện Kỹ thuật Quân sự trong thời gian qua.
Định hướng một số nội dung trong thời gian tới, đồng chí Bộ trưởng yêu cầu Học viện Kỹ thuật Quân sự tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, kết luận của trên về công tác giáo dục-đào tạo; chủ động đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, bảo đảm cụ thể, sát với tình hình, nhiệm vụ của học viện. Điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng cường kiến thức chỉ huy tham mưu kỹ thuật, năng lực thực hành thực tập, chất lượng diễn tập cuối khóa cho các đối tượng. Quá trình huấn luyện, bằng mọi phương cách, học viện phải tổ chức huấn luyện theo các quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp, tăng cường huấn luyện thể lực, điều lệnh; huấn luyện theo hướng tăng thực hành giảm lý thuyết, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo.
Cùng với đó, học viện cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, tập trung vào định hướng tạo ra sản phẩm mang thương hiệu học viện, gắn liền với đơn vị, phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm kỹ thuật. Đẩy mạnh xây dựng học viện vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”; tăng cường xây dựng chính quy, giáo dục, quản lý, rèn luyện kỷ luật; chú trọng rèn luyện năng lực chỉ huy, tác phong quân nhân cho học viên; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ huy điều hành và quản lý các mặt công tác của học viện, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà trường thông minh, nhà trường chính quy.
Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học đầu ngành có đủ phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án đã được phê duyệt; tăng cường mở rộng hợp tác với các học viện, nhà trường, đơn vị và các cơ sở khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài quân đội và quốc tế về các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học để từng bước làm chủ khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và phát triển đất nước.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()