Ðại tướng của nhân dân
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là một danh tướng của thế giới, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1944, được Bác Hồ giao thành lập và chỉ huy Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ chưa đầy một tháng, với lực lượng rất nhỏ bé, vũ khí thô sơ, nhưng ý chí, mưu lược độc đáo, Ðội đã liên tục đánh gục một số đồn, bốt của giặc Pháp, giải phóng nhân dân, mở rộng căn cứ địa, lấy vũ khí phát triển quân giải phóng. Là một trí thức cách mạng, từ một thầy giáo lịch sử, chuyển sang làm tướng, đã tiếp nhận phát huy nền quân sự độc đáo của tổ tiên ta.
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là một danh tướng của thế giới, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1944, được Bác Hồ giao thành lập và chỉ huy Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ chưa đầy một tháng, với lực lượng rất nhỏ bé, vũ khí thô sơ, nhưng ý chí, mưu lược độc đáo, Ðội đã liên tục đánh gục một số đồn, bốt của giặc Pháp, giải phóng nhân dân, mở rộng căn cứ địa, lấy vũ khí phát triển quân giải phóng. Là một trí thức cách mạng, từ một thầy giáo lịch sử, chuyển sang làm tướng, đã tiếp nhận phát huy nền quân sự độc đáo của tổ tiên ta.
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp – một nhà quân sự thiên tài, một nhà chính trị vững vàng trong các bước ngoặt của đất nước, một nhà khoa học giáo dục, văn hóa, luôn luôn trân trọng lịch sử, nhạy bén thúc đẩy xã hội phát triển với quy luật của thời đại, một nhà kinh tế vĩ mô, đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cho Tổ quốc.
Về mặt chỉ đạo chiến tranh và tổ chức chỉ huy chiến đấu, Ðại tướng có những nét độc đáo hơn bất cứ vị Tổng Tư lệnh nào trên thế giới. Trường kỳ kháng chiến, lấy dài chọi ngắn là đường lối lãnh đạo chiến tranh đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Vận dụng đường lối đó, Ðại tướng tham mưu cho Bộ Chính trị là hằng năm mở các chiến dịch với các loại quy mô kết hợp, các vùng kết hợp, các hình loại kết hợp, các bước kết hợp, từ thấp đến cao, tạo bước bứt phá, lan tỏa rộng, kích thích mạnh. Thúc đẩy phát triển bước sau cao hơn bước trước. Tạo cho địch mất ổn định, phân tán, giam giữ địch lại nhiều nơi, để ta đánh vào nơi “ta muốn”.
Khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại tham mưu sử dụng nghệ thuật khác: Mở nhiều chiến dịch, đánh địch trên phạm vi rộng cả Ðông Dương để phối hợp giữ chủ lực địch co cụm ở Ðiện Biên Phủ, nhằm thực hiện trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ðặc biệt, trong chiến dịch này, Ðại tướng Tổng Tư lệnh đã quyết đoán thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”, buộc Tướng đờ Ca-xtơ-ri cùng một vạn sáu nghìn quân tại tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ phải đầu hàng vô điều kiện, Chính phủ Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Ðông Dương.
Khi nhân dân ta mới giành được độc lập, tự do ở miền bắc, thì ở miền nam đế quốc Mỹ và bè lũ Ngô Ðình Diệm không chịu thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân vào xâm chiếm miền nam Việt Nam, âm mưu thôn tính cả Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chấp hành Nghị quyết 15 của T.Ư, Quân ủy T.Ư, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã khẩn trương chỉ đạo chuyển đổi phương thức chiến tranh ở các chiến trường. Mặt khác, nhanh chóng chỉ đạo tổ chức đường chi viện chiến lược của miền bắc cho miền nam cả trên bộ, trên biển.
Về đường chi viện trên bộ, Ðại tướng chỉ đạo phối hợp với quân dân hai nước bạn đánh địch giải phóng sườn Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào, Cam-pu-chia, mở tuyến chi viện chiến lược xuyên Ðông – Tây Trường Sơn. Lấy phương thức vận tải cơ giới là chính. Kết hợp phương thức thô sơ nơi cần, lúc cần. Kiên quyết thực hiện phương châm “chủ động mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, biến tuyến chi viện chiến lược thành một chiến trường trọng yếu, một căn cứ chiến lược vững chắc, một lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ nhằm đánh bại chiến lược chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ, đáp ứng kịp thời yêu cầu chi viện ngày càng tăng cho các chiến trường. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo đó, Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua những chặng đường cực kỳ khó khăn và đã lập công xuất sắc…
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, Ðại tướng trực tiếp chỉ đạo các chiến trường đối phó có hiệu quả với các cuộc phản công, tiến công của Mỹ – ngụy, giữ vững và phát triển lực lượng. Trong đó, trên chiến trường Trường Sơn, Ðại tướng chỉ thị quán triệt: Ðịch xuống thang chiến tranh phá hoại miền bắc, sẽ tập trung đánh phá mãnh liệt chiến trường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. Cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn sẽ quyết liệt hơn. Bộ đội Trường Sơn đã chủ động sáng tạo càng phải chủ động sáng tạo hơn nữa, giành thắng lợi quyết định trong cuộc đọ sức này.
Giữa năm 1972, khi các chiến dịch: Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ mở ra, Ðại tướng sớm dự đoán: Mỹ có thể quay trở lại đánh phá miền bắc bằng không quân. Ðại tướng cũng dự đoán địch sẽ tập kích bằng máy bay B52 vào Thủ đô Hà Nội – đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam để ép ta phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán ở Pa-ri. Từ dự kiến đó, Ðại tướng chỉ đạo Quân chủng Phòng không – Không quân lập phương án tác chiến, huấn luyện bộ đội và dân quân tự vệ chuẩn bị về mọi mặt để tiêu diệt chúng. Khi Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng siêu pháo đài bay B52 vào Thủ đô Hà Nội 12 ngày đêm, Ðại tướng đã chỉ đạo lực lượng phòng không – không quân chiến đấu đập tan chúng, làm nên “Hà Nội – Ðiện Biên Phủ trên không”, cùng với thắng lợi Ðường 9 Nam Lào và trên các chiến trường, buộc đế quốc Mỹ phải cuốn cờ rút khỏi miền nam Việt Nam.
Sau hiệp định Pa-ri, thời cơ giải phóng miền nam đã đến gần. Ðể có những quả đấm cực mạnh về quân sự nhằm hạ gục ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ðại tướng chỉ đạo thành lập các quân đoàn chủ lực cơ động. Từ tháng 10-1973 đến cuối tháng 3-1975, bốn quân đoàn lần lượt ra đời, kịp đón thời cơ để thực hiện những đòn chiến lược quyết định. Riêng trên chiến trường Trường Sơn, Ðại tướng Tổng Tư lệnh cho phép loại bỏ tổ chức binh trạm, thành lập tám sự đoàn binh chủng (phòng không, bộ binh, công binh vận tải…) tạo đột phá về chi viện chiến lược.
Tháng 3-1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng quyết định nghi binh lớn giữ địch ở Kon Tum, Plây Cu rồi bí mật điểm huyệt Buôn Ma Thuột. Toàn bộ quân đoàn và quân khu Tây Nguyên của ngụy bị tiêu diệt, tháo chạy. Mất Tây Nguyên, thế trận quân ngụy ở cả miền nam rơi vào hỗn loạn.
Ngày 7-4-1975, Ðại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ Tổng hành dinh đã ra lệnh: Thần tốc, thần tốc, đại thần tốc để thực hiện Tổng tấn công nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 19-4-1975, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, Ðại tướng đã ra lệnh cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn chiến dịch. Trong vòng 10 ngày, chiến sự diễn ra ác liệt, đại quân ta ào ạt tiến vào nội đô. Chính phủ Dương Văn Minh không chống đỡ nổi, buộc phải đầu hàng vô điều kiện. Sài Gòn được giải phóng, giữ nguyên vẹn, không một người dân nào bị thương vong. Ðây cũng là một nét độc đáo về nghệ thuật kết thúc chiến tranh.
Từ Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến, đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp giữ cương vị Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang lâu nhất trên thế giới. Ðại tướng là một đảng viên, một công dân, một quân nhân tận trung với Ðảng, với Nhà nước, tận hiếu với dân, bao giờ cũng chăm lo cho nền độc lập, tự do, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, gắn liền với xã hội chủ nghĩa, coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng hàng đầu. Ðại tướng luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết. Ðại tướng là người luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám quyết đoán, là tấm gương sáng về ý thức tôn trọng tổ chức, kỷ cương, đoàn kết, khiêm tốn, giản dị và liêm khiết, là hiện thân nhân cách nhân văn, hết lòng thương yêu cán bộ, binh sĩ, nhân dân. Các tướng lĩnh, sĩ quan và binh sĩ cũng như các tầng lớp nhân dân hết sức tin tưởng, quý mến và biết ơn Ðại tướng, coi Ðại tướng là vị Tổng Tư lệnh xuất chúng và mãi mãi là người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người công bộc thật sự vì dân, vì nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()