Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho và cảm xúc ở chiến trường Điện Biên Phủ khi viết “Tiến bước dưới quân kỳ”
Một trong những ca khúc truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam “Tiến bước dưới quân kỳ” của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho được sáng tác từ cảm xúc của ông khi đặt chân tới đồi A1, chiến trường Điện Biên Phủ, 2 năm sau khi chiến dịch kết thúc.
Những ký ức về những năm tháng sống và chiến đấu, góp phần bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc của Đại tá quân đội, nhạc sĩ Doãn Nho dường như vừa mới ngày hôm qua, vẫn tràn đầy cảm xúc khi ông nhắc lại. Trong đó, những ký ức khi viết ca khúc "Tiến bước dưới quân kỳ" tại chiến trường Điện Biên Phủ vẫn khiến ông hết sức xúc động.
Năm 1954, nhạc sĩ mới 21 tuổi, khi đó ông đang công tác tại Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Ông kể lại, là một nhạc sĩ quân đội, cho nên ông đã được phân công tham gia phục vụ Điện Biên Phủ khi còn đang chuẩn bị chiến dịch cùng Đoàn.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông là những năm tháng công tác ở tuyến 2, là ATK Định Hóa, Thái Nguyên, nơi các đoàn quân đi qua khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, và khi chiến thắng trở về. Đây cũng là nơi Bác Hồ và Trung ương theo dõi, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của cả dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng ở đây trước khi chuyển đến rừng Mường Phăng, Điện Biên. “Chúng tôi ở tuyến 2 phục vụ quân ta đi qua ATK đến Điện Biên chiến đấu. Từ ATK, sau đó, chúng tôi cũng đón đoàn quân trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên chiến thắng trở về”, nhạc sĩ kể.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 2 năm, chiến trường Điện Biên Phủ chuyển thành nông trường. “Hơn 80 nghìn chiến sĩ Điện Biên Phủ lại về hậu phương, tham gia nhiệm vụ lao động, sản xuất. Tiếp nối họ là các thế hệ tân binh. Một lần nữa tôi lại được giao nhiệm vụ lên Điện Biên đi cùng đoàn tiền trạm cho đoàn ca múa của Tổng cục Chính trị lên đường phục vụ nông trường khi đó”.
Nhạc sĩ kể, nhiệm vụ của ông khi đó là phải viết ngay một bài hát để đoàn lên là có bài hát mới biểu diễn luôn. “Tôi rất sung sướng khi được trở lại Điện Biên, đặt chân lên chiến trường năm xưa, nơi rất nhiều chiến sĩ, văn nghệ sĩ đã từng sát cánh bên nhau góp phần vào thắng lợi của dân tộc”, nhạc sĩ kể.
Khi đến chân đồi A1, nhạc sĩ đã khóc, khi nhớ lại hình ảnh bộ đội ta đào gần như kín đồi A1 để đặt thuốc nổ, rất nhiều người đã hy sinh. “Khi đến đồi A1, bước từng bước để viết bài hát, tôi đã khóc. Chúng ta đã hy sinh rất lớn mới có được chiến thắng”, ông kể.
Không giấu được cảm xúc, người nhạc sĩ 91 tuổi đã cất tiếng hát: “Bước từng bậc/ Nhớ từng người/ Lòng đau đớn/ Uất ức/ Căm hờn/ Thù này phải trả/ Đồng chí ta ơi”.
Lúc đó, bài hát đã hình thành trong tâm trí nhạc sĩ Doãn Nho. Ông kể rằng, đã muốn đưa ý nghĩa "các thế hệ sau không bao giờ quên công ơn của các thế hệ đi trước, và dưới bóng quân kỳ là sự tiếp nối của nhiều thế hệ quân đội" vào bài hát.
Chính từ những suy nghĩ đó, một nét nhạc đã hình thành để viết ra “Tiến bước dưới quân kỳ”. Khi đã có được nét nhạc đó, nhạc sĩ tiếp tục hoàn chỉnh bài hát.
Ông cho biết, nét nhạc của bài hát mang bóng dáng, hình ảnh của các cựu chiến binh già dặn, từng trải chiến đấu, đồng thời có cả gương mặt của thế hệ tân binh khi tân binh tham gia vào quân đội sau chiến thắng Điện Biên Phủ: “Vừng đông đang hừng sáng, núi non xanh ngàn trùng xa, Tổ quốc bao la hiền hòa, Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao, Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa, Lấp lánh sao bay trên quân kỳ”… Cứ như thế, hình ảnh tân binh và cựu binh, các thế hệ tiếp bước nhau dưới quân kỳ.
Nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng, trong chiến đấu, các thế hệ văn nghệ sĩ luôn bám sát và cùng toàn dân, toàn quân ta góp phần vào chiến thắng. "Chúng ta đã hy sinh rất nhiều để có được chiến thắng. Tôi tin rằng thế hệ trẻ thấy rất rõ nhiệm vụ của mình đối với cha anh là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu”, nhạc sĩ Doãn Nho nhấn mạnh.
Ý kiến ()