Đại sứ Việt Nam tại Romania: Chuyến thăm của Thủ tướng sẽ đưa hợp tác song phương lên một tầm cao mới
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Romania Đặng Trần Phong |
Đề nghị Đại sứ cho biết mục đích, ý nghĩa và trọng tâm chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?
Đại sứ Đặng Trần Phong:Nhận lời mời của Thủ tướng Romania Viorica Dăcilă, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Romania từ ngày 14-16/4.
Chuyến thăm có ý nghĩa chính trị quan trọng nhằm khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và quyết tâm đưa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn nữa, đáp ứng lợi ích mỗi nước và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Romania là nước bạn bè truyền thống, có quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp với Việt Nam; là một trong số 10 quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1950. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, nhưng đây là lần đầu tiên có chuyến thăm của Thủ tướng ta tới Romani kể từ năm 1977.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc gia hiện nay, chuyến thăm cũng là cơ hội để Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ của Romania trong quan hệ với EU, nhất là vận động Romania thúc đẩy việc ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) trong thời gian Romania làm Chủ tịch luân phiên EU sáu tháng đầu năm 2019; Tăng cường phối hợp hai bên tại các diễn đàn quốc tế ASEM, Liên hợp quốc, Francophonie và cùng nhau xây dựng kế hoạch chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 1950-2020.
Trọng tâm nổi bật của chuyến thăm là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác với Romania trên nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị, kinh tế, thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, nông nghiệp, hợp tác lao động, hợp tác giữa các địa phương…
Trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác EU-Việt Nam, Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước thời gian tới?
Đại sứ Đặng Trần Phong:Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Romania và Việt Nam đang bổ sung một cách thực chất cho quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam. Đồng nhất với thực tế này là sự hợp tác hiệu quả giữa EU và Việt Nam cũng góp phần củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Romania và Việt Nam.
Trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác EU-Việt Nam như Hiệp định về đối tác toàn diện (PCA), Hiệp định về mậu dịch tự do (FTA)… đem lại nhiều cơ hội mới về hợp tác, những thuận lợi và thời cơ cho cả Việt Nam và Romania.
Trong khuôn khổ EU, Romania sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước EU, và trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam sẽ hỗ trợ tăng cường mối quan hệ giữa Romania và ASEAN. Đặc biệt, khi Romania giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU trong nửa đầu năm 2019 và Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Romania ủng hộ Việt Nam về EVFTA, cam kết thúc đẩy tiến trình kí kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA trong thời gian Romania làm Chủ tịch luân phiên EU nửa đầu năm 2019.
Việc ký kết và thông qua Hiệp định EVFTA mang lại lợi ích chiến lược đối với EU trong việc tăng cường vị thế quan hệ với các nước ASEAN; mở ra nhiều cơ hội về thương mại đầu tư, hợp tác mới giữa Việt nam và EU nói chung và với Romania nói riêng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bãi bỏ phần lớn thuế nhập khẩu trong tương lai theo khuôn khổ Hiệp định EVFTA sẽ mang lại những lợi thế quan trọng cho doanh nghiệp hai bên và tỷ trọng xuất khẩu hàng Việt Nam sang châu Âu nói chung và sang thị trường Romania nói riêng sẽ gia tăng.
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm tới thị trường Romania và chắc chắn kim ngạch thương mai hai chiều giữ hai nước, nhất là các mặt hàng Việt Nam hiện nay nhập khẩu có điều kiện từ Romania như hóa chất, phân bón, sắt thép, hạt nhựa… sẽ gia tăng nhanh chóng.
Đại sứ có thể cho biết rõ thêm về những lĩnh vực hợp tác trọng tâm giữa hai nước, cũng như những mục tiêu trong trong thời gian tới để nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới?
Đại sứ Đặng Trần Phong:Việt Nam và Romania có tiềm năng hợp tác trên nhiều mặt, có thể bổ sung cho nhau qua những tương đồng: Hai nền kinh tế đang tăng trưởng tốc độ cao nên đều có nhu cầu mở rộng thị trường, tăng cường hơn nữa chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới; đều là những quốc gia có vị trí địa lý cửa ngõ của khu vực, đang tham gia nhiều cơ chế thương mại và quốc tế…
Trong bối cảnh tiềm năng của hai nền kinh tế đang phát triển năng động và hợp tác EU-Việt Nam đang phát triển, hai nước có nhiều thuận lợi để mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường…
Những tiến bộ đáng kể trong hợp tác song phương thời gian qua tạo động lực để tăng cường và mở rộng hợp tác hơn nữa các mối quan hệ hiện có về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế-thương mại, giáo dục, văn hóa du lịch, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân…
Cùng với quan hệ chính trị hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hai nước tập trung nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa hợp tác kinh tế, đặc biệt về thương mại, nông nghiệp, hợp tác lao động và du lịch, giáo dục đào tạo… tương xứng với tiềm năng của cả hai nước.
Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU được ký kết và phê chuẩn, EU tháo gỡ cho Việt Nam các điều kiện về việc nhập khẩu thủy sản, Việt Nam và Romania hiện đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến tăng 10-20%/ năm.
Lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của cả hai nước nên tăng cường hợp tác về nông nghiệp có thể tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ EU dành cho nông nghiệp. Các hình thức hợp tác có thể như liên doanh thành lập công ty sản xuất và chế biến, đặc biệt về nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất rượu vang, chế biến nông sản thực phẩm… để xuất khẩu sang nước thứ ba. Đồng thời, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững cũng sẽ giúp nâng cao đời sống nhân dân của cả hai nước ở khu vực nông thôn.
Hợp tác lao động và du lịch là lĩnh vực mới mở ra nhưng đang phát triển nhanh chóng. Hiện Romania có nhu cầu rất lớn về lao động do người Romania đi làm việc ở các nước Tây Âu.
Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ và có kỹ năng. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đưa lao động sang làm việc tại Romania với điều kiện làm việc được đảm bảo theo tiêu chuẩn EU. Đến nay tại Romania đã có khoảng 3.000 lao động Việt Nam đang làm việc, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, đóng tàu, chế biến thực phầm, may mặc, cơ khí…
Năm 2018, hai Bộ Lao động đã ký thỏa thuận (MOU) về tăng cường hợp tác lao động giữa hai nước tiến tới xây dựng khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực hợp tác này ổn định lâu dài.
Thêm vào đó, việc ký kết và triển khai các Chương trình hợp tác về giáo dục và đào tạo, về văn hóa và khoa học-kỹ thuật, các thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương, cũng như các hoạt động giao lưu nhân dân sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển quan hệ hai nước.
Trên cơ sở nền tảng vững chắc của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp nhiều mặt giữa hai nước, với những cơ hội mới về hợp tác trong quan hệ Việt Nam-EU, bằng nỗ lực tích cực của cả hai bên, tôi tin tưởng rằng chuyến thăm Romania của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ đưa hợp tác Việt Nam-Romania lên một tầm cao mới hiệu quả và bền vững, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh cũng như nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Ý kiến ()