Đại học, cao đẳng vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận
– Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, loại hình trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) ra đời từ những năm 1988. Sau hơn 20 năm, việc phát triển hệ thống trường ĐH, CĐ NCL vẫn chưa như kỳ vọng, nhất là trong việc xác định mô hình trường lợi nhuận hay không vì lợi nhuận.
Nhà giáo thành người “làm thuê”
Các trường ĐH, CĐ NCL hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, thu hút các nguồn lực xã hội để làm giáo dục. Với việc đầu tư tiền của, công sức xây dựng nên các cơ sở đào tạo nhân lực thì phần lớn các nhà đầu tư đều tính đến yếu tố thu lại lợi nhuận. Vì vậy, trên thực tế hiện nay đang tồn tại hai loại hình ĐH, CĐ vì lợi nhuận (VLN) và không vì lợi nhuận (KVLN).
Theo PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: VLN hay KVLN được xét chủ yếu về phương diện kinh tế. Cơ sở GD và ĐT VLN hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn, hướng tới nhu cầu thị trường và của xã hội, do đó cơ chế hoạt động năng động, hiệu quả hơn. Đối với cơ cở GD và ĐT KVLN không có nghĩa là không có hoặc không tìm kiếm lợi nhuận mà vấn đề chủ yếu là việc sử dụng lợi nhuận đó như thế nào.
GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Đặc trưng cơ bản về mặt pháp lý, kinh tế và tổ chức của một tổ chức KVLN là: Không được chia lợi nhuận cho một ai; không có chủ sở hữu, tài sản ở đây là thuộc sở hữu cộng đồng, nguồn vốn chủ yếu của nó là từ cho tặng và học phí; trường được quản trị bởi một hội đồng đại diện cho những nhóm có lợi ích liên quan.
Tuy nhiên, trên thực tế ở nước ta hiện nay, không ít trường NCL xảy ra mâu thuẫn về lợi nhuận, nảy sinh mất đoàn kết. Ở một số trường, các nhà đầu tư tài chính thuần tuý nắm quyền làm chủ hoàn toàn; các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê.
Theo GS. TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL: Hiện nay, các trường NCL có mô hình bộ máy tổ chức nói chung là giống nhau: Cao nhất là đại hội cổ đông (ĐHCĐ), hội đồng quản trị (HĐQT), việc điều hành được giao cho hiệu trưởng. Vậy quan hệ giữa nhà đầu tư với nhà khoa học, nhà giáo cần được xem xét. Xu thế rất rõ là tăng quyền quản lý trực tiếp cho chủ tịch HĐQT, giảm quyền quản lý của hiệu trưởng. Hệ quả là chủ tịch HĐQT có cơ hội “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tính minh bạch và hệ thống kiểm soát trong nhà trường ngày càng bị sói mòn, dân chủ trong nhà trường có xu thế teo lại.
Nếu người góp vốn bằng nhiều tiền sẽ làm chủ thật sự thì các nhà giáo sẽ trở thành những người làm thuê, đưa nhà trường vào tình trạng dễ lệch hướng và thiếu động lực nâng cao chất lượng. Một số nhà đầu tư hành xử với hiệu trưởng, giáo chức và người lao động theo quan hệ “ông chủ và người làm thuê”, sinh viên trở thành “khách hàng”, trường thành “vật mua bán”. Trong khi đào tạo con người khác hẳn việc sản xuất ra hàng hoá.
Cần bảo đảm mục tiêu giáo dục
Để phát triển hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL đúng hướng, cần xác định rõ “đường đi, nước bước” của các trường VLN hay KVLN. Theo GS.TS Trần Hồng Quân: Đối với các trường ĐH, CĐ KVLN cần xoá bỏ nguyên tắc biểu quyết theo đối vốn. ĐHCĐ được thay bằng đại hội nhà trường gồm toàn bộ cán bộ nhân viên cơ hữu. Thành viên HĐQT không nhất thiết phải là người có góp vốn. Ở loại trường này các nhà giáo, các nhà khoa học được xác lập ở vị trí chủ đạo. Các nhà đầu tư là đồng chủ nhân cùng với các nhà giáo, nhà khoa học. Còn với các trường VLN nên chăng luôn giữ tỷ lệ các giá trị ảo của các nhà giáo, nhà khoa học không dưới 50% dù có thu hút vốn bao nhiêu đi nữa, để bảo đảm vai trò các chủ sở hữu này có tỷ trọng đủ lớn trong biểu quyết theo đối vốn.
PGS.TS Trần Quốc Toản nhận định: Cần xác định mục tiêu nền tảng của các trường ĐH, CĐ là giáo dục và đào tạo, chứ không phải kiếm tiền. Vì vậy, việc bảo đảm mục tiêu giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) không chỉ đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước, mà còn đặt ra đối với mỗi cơ sở đào tạo. Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, GS Trần Phương thì cho rằng: Trong tình hình mặt bằng học phí của nước ta rất thấp, tỷ suất lợi nhuận rất thấp mà phải chia lợi nhuận cho người góp vốn thì không còn lại bao nhiêu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, nếu là trường KVLN thì những người góp vốn nhận được một lãi suất cố định giống như lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại. Lãi suất trả cho người góp vốn không phải là phân phối lợi nhuận sau một năm kinh doanh mà được hạch toán vào chi phí. Nếu làm được điều đó, trong đào đạo sẽ khác với các cơ sở kinh doanh, nay thịnh mai suy, nay hợp mai tan. Các trường ĐH NCL KVLN sẽ có khả năng trường tồn cùng xã hội. Đó là điều đã thấy ở châu Âu và Mỹ có những trường thành lập cách đây 700 đến 800 năm mà vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển (như ĐH: Cambridge năm 1284, Oxford năm 1163, Harvard năm 1636).
Có thể nói, hoạt động GD và ĐT là nhằm hoàn thiện nhân cách và nâng cao năng lực từng cá nhân, trước hết đem lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân nhưng cũng có đem lại lợi ích gián tiếp cho xã hội. Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ranh giới giữa mô hình trường hoạt động với kinh phí bao cấp của nhà nước và với nguồn thu từ cung ứng dịch vụ GD và ĐT theo cơ chế thị trường. Vì vậy, ranh giới giữa trường VLN và KVLN sẽ ngày càng mờ đi, đan xen vào nhau. Điều quan trọng nhất trong việc xác định trường NCL là thực hiện chính sách của nhà nước đối với người học bảo đảm công bằng, bình đẳng và chất lượng bảo đảm đúng mục tiêu đào tạo.
Ý kiến ()