Đại gia bất động sản 'nườm nượp' đổ vốn vào Sa Pa
Sau khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai được đưa vào sử dụng, du lịch Sa Pa đã có sự tăng trưởng vượt bậc, kèm theo đó là nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản ở đây tăng đột biến.
Thị trấn Sa Pa nhìn từ trên cao. Ảnh: VGP |
Thị trấn du lịch nổi tiếng này đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản tầm cỡ như Bitexco, Sun Group, Vingroup, Tập đoàn Thiên Minh, Sapa Land… Trong số đó, dự án nổi bật và đang gặt hái rất nhiều thành công là tuyến cáp treo ba dây hiện đại, lần đầu tiên có mặt tại châu Á khởi điểm từ Thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan của Group. Hiện thực hóa giấc mơ chinh phục “nóc nhà Đông Dương” cho đông đảo người dân chỉ là một phần trong tham vọng của Tập đoàn này. Vào tháng 11/2015, tại hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc, Sun Group đã khẳng định sẽ đầu tư vào Lào Cai hơn 20.000 tỷ đồng.
Thống kê của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, Lào Cai hiện mới chỉ có 1 khách sạn 5 sao trong khi Sa Pa chưa ghi nhận khách sạn 5 sao nào. Trong tương lai, Sapa sẽ đón nhận thêm một số dự án khách sạn 5 sao như Silk Path Grand Resort & Spa Sapa, Mgallerry Sapa…
Gần đây, dự án bất động sản nghỉ dưỡng nổi tiếng Sapa Jade Hill được coi như điển hình tiên phong cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Xa hơn nữa, thị trường bất động sản tại Sapa sẽ đón nhận thêm lượng cung mới trên các phân khúc khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng từ các dự án như Resort Bitexco, Resort Suối Hoa, Resort Spa Lao Chải, Resort Thung Lũng Vàng…
Các dự án từ những chủ đầu tư uy tín đang làm tăng thêm các dịch vụ tiện ích, sản phẩm mới hấp dẫn cho thị trấn này như trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí, biệt thự nhà phố thương mại, cáp treo, khách sạn cao cấp…
Những năm qua, cơ sở hạ tầng của Lào Cai được cải thiện đáng kể. Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào hoạt động và giai đoạn 2 của tuyến đường này dự kiến sẽ hoàn thành trong 2017.
Cùng đó, trục chính của thành phố Lào Cai là đường Trần Hưng Đạo đang được mở rộng cùng một số tuyến đường cao tốc khác như cao tốc 279, 4E, tỉnh lộ 156, cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng… giúp giao thông đi lại giữa Lào Cai với các tỉnh lân cận và Hà Nội trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, được TTXVN dẫn lời cho biết thị trường bất động sản Lào Cai hiện chưa phát triển nhiều và vẫn thiếu dòng sản phẩm cao cấp, hiện đại. Bởi thế chưa tận dụng được những ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên, khí hậu độc đáo là những lợi thế sẵn có cũng như những tiện ích cơ sở hạ tầng.
Thị trường Lào Cai, Sa Pa hiện cũng đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh với rất nhiều thị trường lớn tại khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Hội An, Huế. Đây là những địa bàn đang thu hút được nguồn cầu khá lớn của các nhà đầu tư, khách hàng từ phía Bắc.
Do đó, theo bà Hằng, để phát triển thị trường bất động sản tại Lào Cai và Sa Pa thì cần quy hoạch có hệ thống hơn. Các phân khúc mới như biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, căn hộ khách sạn… cũng được kỳ vọng sẽ đem lại sức hút mới cho thị trường bất động sản tại Sa Pa và cả Lào Cai.
Ngày 26/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 với mục tiêu phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao, thu hút khoảng 5,2 triệu lượt khách du lịch… Theo đó, Khu du lịch quốc gia Sa Pa thuộc địa bàn toàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 1.500 ha. Định hướng phát triển thành 1 đô thị du lịch Sa Pa và 4 phân khu du lịch gồm: Bản Khoang – Tả Giàng Phình (thuộc xã Bản Khoang và Tả Giàng Phình); Tả Phìn (thuộc xã Tả Phìn); Tả Van – Séo Mý Tỷ (thuộc xã Tả Van) và Thanh Kim (thuộc xã Thanh Kim), có sự kết nối với huyện Bát Xát. Theo định hướng phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch chính của Sa Pa hướng tới là sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch tham quan, du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng và một số sản phẩm du lịch bổ trợ khác. Về tổ chức không gian phát triển du lịch, Sa Pa phát triển du lịch sinh thái, khám phá gắn với giáo dục môi trường tại Vườn quốc gia Hoàng Liên (huyện Sa Pa), khu bảo tồn tự nhiên Bát Xát (huyện Bát Xát); các điểm du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc: Cát Cát, Lao Chải, bản Dền, Nậm Cang và bản Sài (huyện Sa Pa); Lũng Pô II, bản Xèo, Sàng Ma Sáo và Dền Sáng (huyện Bát Xát); các điểm tham quan: Thung lũng Mường Hoa; bãi đá cổ, thác Bạc, thác Tình yêu và động Tả Phìn (huyện Sa Pa); cầu Thiên Sinh, cột cờ Lũng Pô và động Mường Vi (huyện Bát Xát). Mục tiêu của Quy hoạch nhằm phấn đấu đến năm 2020, Khu du lịch Sa Pa đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Trước năm 2030, Khu du lịch quốc gia Sa Pa trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu, và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế. Khu du lịch Sa Pa phấn đấu năm 2020 đón khoảng 2,0 triệu lượt khách; đến năm 2030 đón khoảng 5,2 triệu lượt khách. |
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()