Đại Đồng: “Làng hương” hối hả vào vụ tết
– Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thời điểm này, các hộ làm hương trên địa bàn thôn Đông Bắc, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định đang tất bật khẩn trương sản xuất hương để phục vụ dịp tết.
Những ngày giữa tháng 12/2022, cùng cán bộ xã Đại Đồng, chúng tôi có dịp đến thăm thôn Đông Bắc, thôn có truyền thống làm hương lâu đời trên địa bàn huyện Tràng Định. Ngay từ cổng thôn chúng tôi cảm nhận rõ không khí sản xuất khẩn trương của các hộ dân làm nghề nơi đây. Tại đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến người dân đang tất bật trộn bột, phơi hương thành từng hàng đều tăm tắp.
Người dân thôn Đông Bắc, xã Đại Đồng phơi hương thành phẩm
Mùi hương cỏ cây phảng phất trong gió cùng những âm thanh rộn rã, vui vẻ là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình bà Vương Thị Mần, người có hơn 35 năm kinh nghiệm làm hương trong thôn. Bà Mần vui vẻ cho biết: Nghề làm hương tại thôn đã có từ rất lâu đời, tôi cũng không nhớ có từ bao giờ, chỉ biết từ khi sinh ra, đã thấy các ông, bà làm hương để bán. Nét độc đáo của nghề làm hương nơi đây là việc sản xuất hương đều theo phương pháp thủ công, quy trình cho ra một cây hương rất tỉ mỉ, nguyên liệu chủ yếu từ các loại cây có sẵn trong tự nhiên nên rất an toàn cho sức khỏe. Hằng năm, bắt đầu từ tháng 8, tháng 9 (âm lịch), chúng tôi đã rục rịch chuẩn bị nguyên liệu, tập trung nhân lực để kịp sản xuất hàng vụ tết. Những dịp cận tết như này, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi làm được từ 500 đến 1.000 bó hương thành phẩm.
Chia sẻ về công đoạn làm hương, bà Hoàng Thị Tú, người dân trong thôn cho biết: Để làm được một cây hương chất lượng, thơm dịu, an toàn cho sức khỏe, đầu tiên, người làm hương phải đi chặt cây mai đem về cưa thành từng khúc, chẻ nhỏ, vót thành từng que đều nhau rồi phơi khô, những que này dùng để làm cốt. Tiếp đó, chúng tôi lên rừng lấy cây sau sau mục, phơi khô rồi nghiền nhỏ thành bột mịn. Để có chất kết dính phải chuẩn bị thêm lá cây bầu hắt (theo tiếng gọi địa phương) hái trong rừng, phơi khô, xay mịn, trộn với bột gỗ sau sau. Hương làm xong được đem phơi trên giàn, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà vẫn giữ nguyên mùi thơm nhẹ. Nén hương thành phẩm được đếm và đóng thành từng bó gồm 10 nén với giá bán buôn 1 nghìn đồng/bó.
Hiện nay, trên địa bàn xã Đại Đồng việc sản xuất hương được tập trung tại thôn Đông Bắc (sáp nhập thôn Nà Phiêng và Pác Cam), với trên 30 hộ làm quanh năm, tuy nhiên, sôi động nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Thị trường tiêu thụ hương chủ yếu là ở các chợ trên địa bàn huyện, ngoài ra, các thương lái cũng đến mua đưa về các huyện trong tỉnh để tiêu thụ. Những năm qua, từ nghề làm hương đã đem lại thu nhập ổn định từ 30 đến hơn 40 triệu đồng/hộ/năm, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống.
Ông Nông Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc sản xuất hương không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho một số hộ dân trong thôn Đông Bắc mà còn góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của địa phương. Hiện tại đang là thời điểm sản xuất sôi động, các hộ dân tập trung sản xuất hương phục vụ nhu cầu của thị trường tết. Hằng năm, để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế từ nghề làm hương truyền thống, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 2 đến 4 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất hương cho các hộ làm hương và người dân trên địa bàn để mở rộng các mô hình sản xuất hương. Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm hương truyền thống của thôn thông qua các gian trưng bày của huyện tại hội chợ thương mại để tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm rộng rãi trên thị trường… Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục định hướng, khuyến khích người dân phát triển làng hương của thôn theo hướng tập trung, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, hướng tới xây dựng thương hiệu cho làng hương để nghề làm hương ngày càng phát triển.
Mỗi dịp tết đến xuân về, bên cạnh bánh chưng xanh, câu đối đỏ thì trên các bàn thờ của mỗi gia đình không thể thiếu những nén hương cúng ông bà tổ tiên. Nghề làm hương không chỉ góp phần tăng thêm thu nhập, giúp các hộ làm hương trên địa bàn xã vươn lên phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.
Ý kiến ()