Đại đoàn kết - Sức mạnh diệu kỳ
– Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, trong đó có bài học về sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đại đoàn kết toàn dân tộc trong đại thắng mùa Xuân năm 1975
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Cuộc chiến tranh kết thúc, quân Pháp rút về nước, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Theo Hiệp định Geneve, sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam. Nhưng đế quốc Mỹ với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đã lợi dụng cơ hội, gạt Pháp ra, nhảy vào tổ chức, chỉ huy nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai, viện trợ kinh tế, quân sự, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và chia cắt lâu dài. Cả dân tộc ta lại bước vào cuộc chiến đấu mới chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Mít tinh mừng ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tại thị xã Lạng Sơn (ngày 1/5/1975). Ảnh: Cố nhà báo VŨ BÁCH
Trải qua 21 năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, hy sinh, gian khổ, quân và dân ta lần lượt đánh bại âm mưu và các chiến lược lớn của Mỹ, Ngụy: chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965); “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam – chiến tranh phá hoại lần 1 của Mỹ ở miền Bắc (1965-1968) và chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” – chiến tranh phá hoại lần 2 của Mỹ ở miền Bắc (1965-1973). Tạo thế, tạo lực tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam kết thúc thắng lợi cuộc Kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ để lại cho dân tộc ta nhiều bài học vô giá, không chỉ có ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay, mà còn với cả mai sau. Thắng lợi đó là thành quả của một loạt nhân tố, trong đó sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhân tố cơ bản, quan trọng nhất. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo của Đảng với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo. Nhờ đoàn kết, nhất trí cao độ, Đảng ta đã đưa ra những quyết định cực kỳ sáng suốt và chính xác để mở cuộc tổng tiến công chiến lược, giành thắng lợi triệt để trong thời gian ngắn nhất. Việc đưa ra những quyết định mang tính lịch sử thể hiện tài thao lược, trí thông minh, sáng tạo của Đảng và Nhân dân. Đó không phải là sản phẩm của tư duy, ý chí của một cá nhân mà của cả tập thể lãnh đạo, bắt nguồn từ sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng. Đó cũng là ý chí của toàn dân tộc, bắt nguồn từ sự đoàn kết cao độ của cả một dân tộc, tạo bước ngoặt mang tính lịch sử để Nhân dân ta đi đến kết thúc chiến tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến thắng này cũng xuất phát từ tinh thần khát khao độc lập, tự do, khát khao hòa bình thống nhất Tổ quốc của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn phát huy tốt truyền thống đoàn kết, vừa sản xuất, vừa chiến đấu đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và đóng sức người, sức của chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Đặc biệt vào năm 1972, khi đế quốc Mỹ phong toả các cảng biển nhằm ngăn chặn việc tiếp nhận hàng hoá, vật tư chi viện cho chiến trường miền Nam, thì Lạng Sơn với vị trí là tỉnh địa đầu tổ quốc đã trở thành “Cảng nổi”, tổ chức tiếp nhận, bảo vệ, giải toả và vận chuyển hàng vạn tấn hàng hóa các loại theo hai tuyến đường bộ và đường sắt, trong đó chủ yếu là vũ khí, khí tài, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu. Quân và dân Lạng Sơn đã bắn rơi 85 máy bay Mỹ. Toàn tỉnh có hàng vạn thanh niên nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, không ít người đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu trên chiến trường…
Những đóng góp sức người, sức của của quân và dân Lạng Sơn đã góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, giành thắng lợi vĩ đại ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng Lạng Sơn phát triển bền vững
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tuy còn gặp không ít khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng Lạng Sơn từng bước phát triển vững chắc.
Đến nay, kinh tế – xã hội của tỉnh đã có những đổi thay vượt bậc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kinh tế cửa khẩu tiếp tục phát triển; kết cấu hạ tầng được đầu tư; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm và đạt kết quả tích cực; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét… Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,22%; GRDP bình quân đầu người đạt 51,72 triệu đồng; doanh thu du lịch đạt 2.100 tỷ đồng; 100% xã có điện lưới quốc gia và có đường ô tô đến trung tâm xã; trạm y tế xã, trường học được xây dựng khang trang… Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, hiện trên địa bàn tỉnh có 86 xã nông thôn mới, 17 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại diện Báo Người lao động trao tặng cờ Tổ quốc và hỗ trợ học bổng cho con cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và người dân ở khu vực biên giới
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số, tháng 9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết để lãnh đạo về công tác chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, cả 5 trụ cột về chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2022, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước ứng dụng thành công Nền tảng cửa khẩu số; kết quả bước đầu này đã tạo đột phá trong chuyển đổi số của Lạng Sơn, tạo đà cho kinh tế cửa khẩu phát triển nhanh và bền vững, đồng thời hình thành mô hình kiểu mẫu về cửa khẩu số trong cả nước. Hiện nay, Lạng Sơn xếp thứ 5 toàn quốc về chuyển đổi số; thứ 2 toàn quốc về số sản phẩm và thứ 4 toàn quốc về giao dịch thành công trên sàn thương mại điện tử…
Song song với đó, tỉnh Lạng Sơn luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh.
Lạng Sơn có tuyến biên giới dài 231,74 km đi qua 5 huyện với tổng số 474 cột mốc. Phần lớn cột mốc nằm ở vị trí có độ cao rất lớn, đi lại vô cùng khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm gây mất an toàn trong quá trình tuần tra, kiểm tra biên giới. Từ thực tế trên, việc xây dựng các đường nhánh lên vị trí cột mốc là nhu cầu thiết yếu, giúp việc tuần tra, giám sát, giải quyết các vụ việc trên biên giới kịp thời, hiệu quả, bảo vệ an toàn hệ thống đường biên, cột mốc. Hưởng ứng thư ngỏ phát động “Vận động ủng hộ Quỹ xây dựng đường nhánh kiểm tra cột mốc quốc giới” của Tỉnh uỷ – HĐND – UBND – Uỷ ban MTTQ tỉnh, nhiều tập thể, cá nhân đã tích cực tham gia, hỗ trợ, giúp đỡ về kinh phí. Nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 120 đường nhánh kiểm tra cột mốc.
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Với sự quan tâm, ủng hộ, hướng về biên giới của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân, những con đường kiểm tra cột mốc dần được kiên cố. Mỗi tuyến đường được hoàn thành không chỉ tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới mà còn minh chứng cho tình đoàn kết quân dân, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, trách nhiệm của mỗi công dân trong quản lý bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc; càng thêm tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Lạng Sơn tiếp tục vận dụng tốt bài học về tinh thần đoàn kết toàn dân; phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm vươn lên thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo thống kê trong cuốn sách “Lạng Sơn lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xuất bản năm 1995, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lạng Sơn có trên 27 nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong đó, hơn 3,4 nghìn người đã hy sinh, mãi mãi nằm lại các chiến trường; hơn 1,4 nghìn người trở về với những thương tật, những mảnh bom, đầu đạn và chất độc hóa học trong cơ thể… Với đóng góp to lớn về sức người, sức của, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân, dân Lạng Sơn đã cùng với cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()