Đại dịch Covid-19 khiến bệnh sốt rét diễn biến trầm trọng hơn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6/12 cho biết, những gián đoạn về chăm sóc sức khỏe do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã khiến bệnh sốt rét diễn biến trầm trọng hơn; đặc biệt là ở châu Phi, khiến thế giới tăng thêm 69 nghìn ca tử vong do căn bệnh này vào năm 2020 so với 1 năm trước đó.
Cụ thể, số liệu từ báo cáo sốt rét hàng năm của WHO cho thấy, tổng số hơn 627 nghìn người trên toàn cầu – hầu hết là trẻ sơ sinh ở những vùng nghèo nhất của châu Phi – đã thiệt mạng vì bệnh sốt rét vào năm ngoái, so với 558 nghìn người không qua khỏi do căn bệnh này trong năm 2019.
Trong đó, khoảng 2/3 số ca tử vong tăng thêm do sốt rét vào năm 2020 bắt nguồn từ việc các hạn chế phòng dịch Covid-19 đã làm gián đoạn công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét.
WHO cho biết, 94% trường hợp mắc và tử vong do sốt rét trên toàn cầu được ghi nhận ở châu Phi. Thậm chí, so với Covid-19, bệnh sốt rét gây tử vong cao hơn nhiều ở lục địa 1,3 tỷ dân này.
Theo ước tính của WHO, sốt rét đã cướp đi sinh mạng của 386 nghìn người châu Phi vào năm 2019, trong đó có tới 274 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi. Con số này lớn hơn nhiều 224 nghìn ca tử vong vì Covid-19 được báo cáo tại “lục địa đen” kể từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay.
Tuy vậy, bất chấp những thách thức kể trên, nỗ lực duy trì các dịch vụ y tế đã giúp vùng châu Phi cận Sahara tránh được kịch bản xấu nhất mà WHO đã cảnh báo là tỷ lệ tử vong do sốt rét tăng gấp đôi trong năm 2020. Thay vào đó, số người chết vì sốt rét trong khu vực chỉ tăng 12% so với năm 2019, theo dữ liệu của WHO.
Ông Pedro Alonso, Giám đốc chương trình sốt rét toàn cầu của WHO cho biết: “Nhờ những nỗ lực khẩn trương và tích cực, chúng ta có thể khẳng định thế giới đã thành công trong việc ngăn chặn kịch bản xấu nhất xảy ra liên quan đến các ca tử vong do sốt rét”.
Các chuyên gia hy vọng cuộc chiến chống bệnh sốt rét có thể đạt được các kết quả đáng kể, nhất là sau khi WHO hồi tháng 10 chính thức phê duyệt vaccine phòng ngừa sốt rét cho trẻ em đầu tiên trên thế giới. Theo đó, tổ chức này khuyến nghị, vaccine phòng sốt rét Mosquirix do hãng dược GlaxoSmithKline (GSK) của Anh phát triển nên được tiêm rộng rãi cho trẻ em châu Phi.
Vaccine Mosquirix đã có lịch sử 30 năm phát triển. Kể từ năm 2019, khoảng 2,3 triệu liều Mosquirix đã được tiêm cho trẻ sơ sinh ở Ghana, Kenya và Malawi trong 1 chương trình thử nghiệm quy mô lớn do WHO điều phối. Trước đó, vaccine này cũng đã được thử nghiệm lâm sàng ở 7 quốc gia châu Phi trong suốt 1 thập kỷ.
Các chuyên gia cho biết, thách thức hiện nay sẽ là huy động tài chính để sản xuất và phân phối vaccine cho các quốc gia nghèo nhất thế giới.
Cho đến nay, GSK đã cam kết sản xuất 15 triệu liều Mosquirix hàng năm cho đến năm 2028, với chi phí sản xuất cộng với tỷ suất lợi nhuận không quá 5%.
WHO dự kiến nhu cầu đối với vaccine phòng sốt rét sẽ vào khoảng 50 đến 110 triệu liều mỗi năm cho đến năm 2030, nếu việc tiêm phòng được triển khai ở các khu vực có mức độ lây nhiễm từ trung bình đến cao.
Tiến sĩ Abdourahmane Diallo, Giám đốc điều hành chương trình Đối tác RBM phòng, chống sốt rét toàn cầu khẳng định: “Với việc tăng cường tài chính, tăng khả năng tiếp cận với các công cụ phòng bệnh và đổi mới mạnh mẽ công nghệ để đi trước những biến đổi của muỗi và ký sinh trùng, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy nhanh các biện pháp ứng phó mới và chấm dứt bệnh sốt rét trong vòng 1 thế hệ”.
Cho rằng thế giới đang ở thời điểm quan trọng trong cuộc chiến với bệnh sốt rét, ông Diallo cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu cùng đưa ra cam kết và các khoản hỗ trợ tài chính mới để ứng phó với căn bệnh này.
Ý kiến ()